Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Về Tây Ninh ăn đặc sản chính hiệu

Dù bánh canh Trảng Bàng hay bánh tráng cuốn thịt đã xuất hiện ở nhiều nơi nhưng hãy về tận Tây Ninh để thưởng thức hương vị miền Đông Nam Bộ đúng điệu.

1. Ốc xu núi Bà
Tây Ninh có nhiều đồi núi, nhưng ốc xu chỉ sống trong khu vực núi Bà Đen. Thường dân địa phương hay luộc ốc xu với sả hoặc hấp gừng, cố ý giữ hương vị đặc trưng của ốc núi. Thịt ốc xu dai dai, giòn giòn, nhưng phải nhai thật chậm mới cảm nhận hết hương vị riêng có của nó. Ốc xu chấm muối tiêu chanh, nhón thêm một gốc sả hay cắn chút gừng non, nhai vài lá rau răm, đưa đẩy với rượu nếp Trảng Bàng sẽ thấy ngon hết sẩy.
Để có được đĩa ốc bốc khói thơm nức mũi, người bắt ốc phải tốn rất nhiều công sức. Họ phải leo núi thật sớm với dụng cụ là chiếc giỏ nan, cây sào khoảng một mét và đèn pin. Cứ thấy đám lá mục là soi đèn, lấy sào khều và… lượm ốc.
Mùa sinh sản hoặc tiết trời mát mẻ, ốc núi mới đi tìm bạn tình và dạo chơi. Thường thì chúng núp thật sâu dưới những hốc đá và lá mục, rất khó tìm. Không ít người vì cuộc sống đã bất chấp nguy hiểm, phải bới móc những tầng lá ấy lên và dễ gặp một chú rắn hổ mang đang "định cư” ở đấy. Không thể mang ốc núi về nuôi thương phẩm vì chúng chỉ hợp với môi trường sống tự nhiên của núi rừng. Tây Ninh đã có một cơ sở nuôi ốc thương phẩm, nhưng chỉ thành công với ốc lác, ốc chuối, ốc bươu, còn với ốc núi Bà thì đang phải tiếp tục mày mò, thử nghiệm.
2. Bánh canh Trảng Bàng
 Để nấu một tô bánh canh, bước đầu tiên là phải dùng một loại gạo đặc biệt như gạo nàng thơm (chợ Đào) để tạo được sợi bánh canh vừa dai vừa thơm của món gạo quý này. Gạo phải được ngâm thật kỹ với khoảng thời gian nhất định để đảm bảo độ mềm.
Bước tiếp theo, đem gạo đã ngâm lọc lấy những tinh bột vừa mềm vừa mịn và công đoạn cuối cùng để tạo được những sợi bánh canh trắng ngần dai thì phải đem đi hấp cho chính. Cùng với nước lèo thơm dịu đặc trưng nhờ các món gia vị như hành tỏi phi tiêu, bánh canh Trảng Bàng sẽ làm cho thực khách nhớ mãi khi thưởng thức món ăn nóng hổi vừa thổi vừa ăn này.
Trước đây, các quán bánh canh này chỉ đông đúc vào các dịp lễ nhưng hiện nay, những ngày thứ bảy và chủ nhật, cũng nhiều người tìm đến món ăn này.
3. Muối ớt tôm Tây Ninh
 Món muối dân dã và bình dị đã trở nên nổi tiếng, góp thêm hương vị mặn mà vào những bữa ăn của người Việt. Cũng như tên gọi, nguyên liệu chính để làm nên món muối ớt tôm độc đáo đó bao gồm 3 thành phần chính: muối hạt cùng với ớt và tôm khô.
Muối hột phải là loại muối được sơ chế sạch sẽ chứ không phải bất kỳ loại muối hột nào cũng làm được. Bên cạnh đó là một số phụ liệu tùy theo chủng loại sản phẩm như tỏi, sả hay bột ngọt. Nguyên liệu thứ hai là ớt tươi. Trái ớt tươi phải có độ chín đỏ đều. Nhưng cái khó cũng là cái hay ở đây chính là phải chọn loại ớt được trồng ở đất Tây Ninh, vì nó có độ cay dịu, không nồng xé vị giác của người thưởng thức. Ở các cơ sở sản xuất lớn, nguyên liệu ớt đem về, sau khi nhặt cuống sẽ được rửa qua nước ozone để khử trùng. Nguyên liệu thứ ba không thể thiếu là tôm khô. Những người có kinh nghiệm làm muối lâu năm cho biết: "Tôm khô thì dễ lựa chọn, loại nào cũng được, chỉ đòi hỏi phải sạch và khô ráo".
Ba nguyên liệu chính này được xay nhuyễn và trộn lẫn vào nhau. Trong quá trình trộn đều, tùy theo mỗi sản phẩm hay hương vị riêng của từng cơ sở mà người làm sẽ thêm vào các gia vị khác như tỏi, sả, bột ngọt mà cho ra nhiều sản phẩm khác nhau từ hạt muối.
Một công đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất muối ớt tôm là sấy. Xưa, các lò thường sấy bằng phương pháp thủ công (rang muối trên bếp củi, lửa vừa phải). Còn bây giờ, ở một số cơ sở lớn công đoạn này được xử lý bằng lò sấy. Mỗi cơ sở chế biến lại có những bí quyết riêng để ra sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng. 
4. Bánh tráng phơi sương cuốn thịt
 Tên gọi bánh tráng phơi sương bắt nguồn từ quy trình cầu kỳ làm ra vỏ bánh. Sau 2 ngày ngâm nước, đem gạo đi xay rồi tráng và phơi nắng. Sau đó, bánh được đem nướng, đợi tới sáng sớm đem phơi cho thấm sương tới lúc mềm thì được.
Ấn tượng nhất của món ăn là cả chục loại rau rất đa dạng như lá cóc, đọt sộp, lá lụa, diếp cá, tía tô, lá bứa, húng quế... Ngoài ra, bạn còn có cả củ kiệu, cà rốt ngâm, dưa chuột và bún ăn kèm. Thịt để cuốn bánh là thịt chân giò vừa có bì, có mỡ, phần nạc ăn ngon, không bị bở. Mắm nêm chấm thịt cuốn cũng phải được pha chế vừa miệng, tạo nên sự khác biệt với các món cuốn khác.
Cắn một cuốn bánh tráng phơi sương, cảm nhận đủ hương vị chua, cay, đắng, chát của rau, của đồ chua và vị thơm, ngon, béo, ngọt, mặn mà của thịt, của lớp bánh tráng, bạn sẽ hiểu tại sao một món ăn đơn giản lại trở thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi.
5. Nem bưởi
 Nem chay (tên thường gọi của nem vỏ bưởi) là một trong những món ăn chay rất ngon và có từ lâu đời ở Tây Ninh. Ngoài việc có mặt trên đĩa “tứ bửu” trong các bữa tiệc chay với cung cách sang trọng, nem chay còn xuất hiện ở chợ, ở bến xe, như một loại quà vặt hấp dẫn mà tất cả mọi người đều có thể dùng được.
Nguyên liệu dĩ nhiên là vỏ bưởi, nhưng có thêm đu đủ xanh bào nhuyễn phơi khô. Thành phần phụ là khế chua, ớt hiểm, tiêu hột, lá vông nem, đọt chùm ruột, lá chuối và dĩ nhiên là gia vị. Vỏ bưởi sau khi lạng phần vỏ xanh bên ngoài, được thái mỏng, ngâm nước độ một tiếng đồng hồ cho nở đều, người ta sẽ nhồi và xả nước nhiều lần cho đến khi nào nếm thấy hết đắng, sau đó cho vào máy ép khô. Khế chua bào mỏng, vắt nước, lược bỏ hột, trộn đều vỏ bưởi với nước khế rồi đem hấp cách thuỷ.
Phải trộn thật đều, nếu không thấm nước khế thì vỏ bưởi sẽ không thành bột và vì thế khi quết nem bột sẽ không mịn, nem không ngon. Quết xong cho bột bưởi ra thau, nêm nếm vừa ăn rồi rưới vào một ít màu điều hoặc màu gạch tôm cho nem có màu đẹp. Muốn nem giòn, dai, người ta trộn đu đủ bào vào.
Nem thành phẩm để độ 4 - 5 tiếng là ăn được, nhưng chưa ngon. Muốn ngon, phải để cách đêm từ 10 tiếng trở lên. Miếng nem ngon là miếng nem hồng hào, có độ dai vừa phải, có vị mặn mặn, chua chua, ngọt ngọt, cay nồng của tiêu, cay xé của ớt… tất cả tạo nên một hương vị đặc biệt của nem chay vỏ bưởi không lẫn vào đâu được.
Bây giờ, những chiếc nem gói lá chuối đã hiếm xuất hiện, song người ta lại chế ra cách ăn nem kèm với rau răm, một món ăn lạ miệng và rất hao bia nếu dành cho dân nhậu!
6. Bánh tráng me
 Trong hàng chục món bánh tráng thuộc về nhóm quà vặt xuất xứ từ Tây Ninh, bánh tráng me thuộc loại có sức hấp dẫn không cưỡng được nếu đã một lần nếm qua.
Nó không quá đơn giản như chiếc bánh tráng muối ớt cay xé lưỡi hay quá lộn xộn như món bánh tráng trộn, vốn luôn được gia giảm nguyên liệu rất… tùy hứng của các lò bánh, mà đã được người chế biến nâng cấp thành một loại quà rong khá thanh cảnh mà cũng cầu kỳ nhất hạng.
Túi bánh tráng me gồm có một ít bánh tráng đã phơi sương cho dẻo, gấp xếp vuông vắn, vài gói gia vị nho nhỏ gồm muối ớt, bột tôm rang, ớt bột, hành phi, lạc rang giã đôi và chủ lực là một chút nước me sền sệt, chua chua ngọt ngọt. Trông cầu kỳ và lích kích như một gói mì ăn liền cao cấp.
Người ăn, tùy theo khẩu vị và sở thích có thể tùy nghi gia giảm các gói gia vị để pha chế thành một thứ nước chấm. Sau đó, gỡ từng tờ bánh tráng deo dẻo kia ra và cuốn lại, chấm cứ thế mà vừa nhai, vừa nuốt, vừa hít hà! Cái vị chua dịu của nước me chín, cái cay xé của ớt, vị mặn mặn của bánh tráng, của tôm, cái béo giòn của lạc rang… tạo nên một thứ hương vị quyến rũ khó thể nào quên.

Còn một đặc điểm thú vị nữa là không thể nào ăn bánh tráng me một mình, cũng chính vì cái sự lích kích đó. Nó hầu như là món “độc quyền” dành cho các “bà Tám”, đủ kiên nhẫn ngồi tỉ mẩn sửa soạn món ăn và tranh thủ tán chuyện.
Hạt Tiêu tổng hợp
(Bố susu sưu tầm)