Một trong những cái thú của dân phượt là thoả mình trong đêm trăng trên những con đèo hay quây quần trong màn sương mờ ảo trên đỉnh đèo.
Đèo Mã Pì Lèng – Hà Giang
Mã Pì Lèng có nghĩa là Sống mũi ngựa, nối Mèo Vạc với Đồng Văn, vốn là hai xã xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang. Đèo được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ 20 do công nhân chủ yếu là người dân tộc H’ Mông làm. Ban đầu chỉ là những con đường nhỏ cheo leo dành cho xe thồ và người đi bộ. Để đục đá mở đường, người ta phải treo mình trên dây, giữa lưng chừng những đá tai mèo mà thi công trong suốt 11 tháng.
Đèo dài khoảng 20 km, chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô xô trùng trùng điệp điệp. Những ngọn núi màu xám chì, hùng vĩ nối nhau đến tận chân trời. Xa xa là dòng sông Nho Quế dịu dàng vắt mình như một tấm khăn choàng mỏng manh. Đường xuống sông chạy gần như song song với với dòng sông cho đến khi gặp nhau ở bờ sông, màu đất đỏ quyện lấy bánh xe. Đứng từ mặt bên này thấy toàn con đường dài phía bên như một con rắn trườn lượn mình vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. |
Đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km vượt đỉnh núi Mã Pí Lèng có độ cao 2.000m, nối Mèo Vạc với Đồng Văn. Đoạn đèo này nổi tiếng với những cung đường uốn lượn như con rắn vắt mình từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Ảnh: DutchTa (Flickr). |
|
Mã Pí Lèng theo tiếng Quan Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Ảnh: Phambaongoc75 (Flickr). |
|
Con đường chạy qua đèo Mã Pì Lèng có tên gọi là đường Hạnh Phúc, được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam xây dựng từ năm 1959 – 1965. Tại đoạn đường đèo, các nhân công đã phải treo mình trên dây giữa các vách đá để thi công trong suốt 11 tháng. Ảnh: Gavin White (Flickr). |
|
Từ năm 2009, vùng núi Mã Pí Lèng đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó, đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; đỉnh đèo là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam, hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Ảnh: Tu-geo (Flickr). |
Vùng núi đá không trồng được cây cối hay rau màu. Người H’Mông hàng ngày phải gùi những gùi đất từ rất xa mang về nhét vào từng hốc đá, dùng đá chèn lại để giữ cho nước mưa không trôi mất đất, rồi bỏ hạt ngô giống vào. Những thân cây ngô xanh mọc lên vươn mình trong những lớp đá xám như cuộc sống vẫn trỗi dậy nơi mảnh đất cằn này mỗi ngày.
Một tấm bia lớn được dựng nơi đỉnh đèo khắc ghi những hi sinh thầm lặng của những người đã làm nên con đường Hạnh Phúc, nơi mà người ta sống chung với đá, lớn lên cùng đá và chết cũng vùi mình trong đá.
Đèo Mã Phục – Cao Bằng
Sở dĩ đèo có tên như vậy vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đèo cao 620 m, vượt qua bảy vòng dốc để đến được đỉnh, nơi có tấm biển: Trùng Khánh kính chào quý khách. Từ Mã Phục tỏa đến các nhánh chính của toàn tỉnh Cao Bằng. Ngay từ chân đèo rẽ trái đến với làng Tổng Cọt – nơi có cây đa già nổi tiếng và phiên chợ trâu ngày chủ nhật, ghé thăm làng cổ Nà Ngắn, đến với cửa khẩu Trà Lĩnh. Vượt qua Quảng Uyên rẽ phải là đường đến cửa khẩu quốc tế Tà Lùng. Rẽ trái ngược lên đến với Trùng Khánh, xuyên qua những rừng cây dẻ rì rào, chạy tới thác Bản Giốc kỳ vĩ và cuối cùng là đường tới Hạ Lang, điểm kỳ cùng của tỉnh. |
Ảnh sưu tầm |
|
Ảnh: nghienOTO |
Con đèo rộng và đẹp. Những dãy núi thâm thấp nối tiếp nhau, phía bên này dốc trải dài những cánh đồng hoa tam giác mạch tim tím vào mùa xuân và những ruộng ngô xanh rì khi hè tới. Khi bóng chiều đang dần buông, nắng đã ngả trên những ngọn núi nhấp nhô, những đứa trẻ vừa lùa đàn trâu về vừa nô đùa ríu ran. Khung cảnh tĩnh của một vùng sơn cước, không có tiếng ôtô ồn ã, không tiếng còi xe, không khói bụi mịt mù. Những người dân tộc Tày, Nùng làm nương cuốc rẫy đã vác mai vác thuổng về nhà.
Đèo Ô Quy Hồ - Lào Cai
Con đèo nổi tiếng này còn có tên đèo Hoàng Liên Sơn, nối giữa Lào Cai và Lai Châu với chiều dài kỷ lục tới hơn 40 km. Đèo còn được mọi người gọi là đèo Mây vì độ cao quanh năm mây mù che phủ, ngay cả trong những ngày hè. Điểm khác biệt lớn nhất là nhiệt độ giữa hai vùng, trong khi bên phía Lai Châu thời tiết mát mẻ, khô hanh thì vừa chuyển sang phía bên kia sườn Lào Cai sẽ nhận được ngay những cơn gió lạnh với cái rét cắt da cắt thịt. |
Dài gần 50km, Đèo Ô Quy Hồ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc, đồng thời cũng là một trong số những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất Việt Nam. Con đèo này nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo ở độ cao 2.000m chính là ranh giới giữa hai tỉnh. Ảnh: Lê Thanh Sơn (Flickr). |
|
Tên gọi Ô Quy Hồ xuất phát từ tiếng kêu da diết của một loài chim, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Bên cạnh đó, đèo Ô Quy Hồ cũng được gọi là đèo Hoàng Liên, do vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ. Ảnh: Vpts (Flickr). |
|
Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài khiến đèo Ô Quy Hồ được mệnh danh không chính thống là "vua đèo vùng Tây Bắc". Đỉnh đèo Ô Quy Hồ nằm giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời. Những năm trời lạnh, đỉnh đèo có thể phủ kín băng tuyết. Ảnh: Skda84pilot (Flickr). |
|
Không chỉ hiểm trở, trước kia, đoạn đèo này còn gắn với câu chuyện về những con hổ thần rình bắt người qua lại, nên rất ít người dám vượt qua. Ngày nay, tuyến đường đèo đã được nâng cấp nhiều nên trở thành một cung đường xe cộ đi lại khá đông đúc. Ảnh: Ngô Huy Hòa (Flickr). |
Đèo Ô Quy Hồ chạy nhũng nhẵng quanh dãy Hoàng Liên, nơi có đỉnh cao nhất Đông Dương Fansipang. Con đèo trước kia khi chưa làm đầy hiểm trở, ít người dám qua lại vì đường quá dài lại mang trong mình nhiều câu chuyện truyền miệng khiến người đi qua rùng mình. Nổi bật nhất là chuyện về thần hổ, những con hổ già tinh đời, thường rình rập đâu đó ở trên đèo để bắt người. Đứng từ ngay cua ngoặt đầu tiên lên đèo, thấy được toàn bộ chiều dài uốn lượn đến tận chân trời. Con đường đi qua Công viên Hàm Rồng, Thác Bạc, Trạm Tôn, đều là những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh nên. Cánh chạy xe lần nào lên cũng ghé lại đỉnh đèo ăn chút gì đó lót dạ. Đa phần là đồ nướng thơm phức với hạt dẻ, thịt xiên, trứng nướng hay cơm lam chấm muối vừng. Xuýt xoa đôi bàn tay bên bếp lửa hồng, nụ cười bạn bè làm cái lạnh tan biến. Bất chợt cơn gió đem mây mù toả khắp vùng thung lũng khiến con đường ẩn hiện trong mây tuyệt đẹp.
Đèo Pha Đin – Lai Châu
Pha Đin nghĩa là Trời và đất với đỉnh cao nhất hơn 1.600 m. Theo truyền thuyết kể lại do khi hai bên vùng núi tranh chấp, ngựa của Sơn La và Lai Châu (cũ) nay thuộc Điện Biên cùng xuất phát, ngựa chạy đến đâu, phần đất thuộc về địa phận tỉnh đó cho đến khi gặp nhau. Kết quả là ngựa Lai Châu chạy nhanh hơn nên phần đất thuộc về Lai Châu rộng hơn. |
Đèo Pha Đin hay là đèo núi có độ dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, với điểm cao nhất là 1.648 mét. Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, nghĩa là “Trời và Đất”, hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Ảnh: Hachi8 (Flickr). |
|
Trong kháng chiến chống Pháp, đèo Pha Đin là một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Minh, phải hứng chịu những cuộc oanh tạc dữ dội của không quân Pháp. Điều này đã khiến đèo Pha Đin trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Ảnh: ManhThaiSG (Flickr). |
|
Những năm gần đây, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Sơn La-Tuần Giáo đã hoàn tất. Tuyến đường tránh đèo Pha Đin được xây dựng bám theo sườn núi các đỉnh đèo phụ phía trái quốc lộ 6 cũ, có độ cao khoảng 1.000m (thấp hơn đèo Pha Đin 200-400m), đã khiến xe cộ ít lưu thông qua cung đường qua đèo Pha Đin và con đèo chỉ còn phù hợp với khách du lịch ưa mạo hiểm. Ảnh: Peter Garnhum (Flickr). |
|
Đèo Pha Đin vừa nổi tiếng hiểm trở, vừa là nơi có khung cảnh đẹp mê hồn. Trên lưng chừng đèo thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một. Ảnh: Imax-73 (Flickr). |
Đèo Pha Đin nổi tiếng đẹp và nguy hiểm. Con đường đèo liên tục những cua dốc dựng đứng và cua tay áo suốt 32 km chiều dài. Dưới chân đèo còn lác đác vài bản, lên gần đến đỉnh đèo thì hầu như không còn bản làng nào nữa. Chỉ có trời xanh thăm thẳm và núi rừng xanh thẫm hoà quyện lấy nhau. Đứng trên đỉnh đèo thấy cái nghĩa của từ Pha Đin thật đúng, thấy đất nước mình đẹp và nên thơ quá! Có thời gian ghé lại bản ngay chân đèo, nhâm nhi tách trà đắng với quả đào non, chơi đùa với lũ trẻ trong làng để thấy được cái thú của cuộc đời tiêu dao.
Những ngày nắng, từ trên đèo thấy được toàn cảnh vùng đất Lai Châu rộng lớn, mênh mông những rặng núi nối tiếp. Vào mùa mưa con đường trở nên cực kỳ nguy hiểm với những cái bẫy chết người trên khắp đèo. Tai nạn lật xe xảy ra thường xuyên trên đoạn đường này. Nhưng cho dù đã có sân bay Mường Thanh nối liền cả nước với Điện Biên Phủ, người ta vẫn muốn một lần được chinh phục Pha Đin để biết về thêm về điểm gặp gỡ của Đất và Trời và để thi thoảng còn chạy vùng đất kháng chiến này ngắm hoa ban hoa mận mỗi dịp xuân về.
Đèo Khau Phạ – Yên Bái |
Đèo Khau Phạ là con đèo dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30 km, đồng thời cũng là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Đèo nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái , đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có v.v. ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển. Ảnh: Hachi8 (Flickr). |
|
Đèo vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải. Tên gọi của đỉnh núi này trong ngôn ngữ của dân tộc Thái nghĩa là “Sừng Trời” (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), do các chóp núi thường nhô lên giữa biển mây bao quanh như một chiếc sừng. Ảnh: Thanh Niên Thôn (Flickr). |
|
Khung cảnh nhìn từ đèo Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín, tầm tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang Tú Lệ chín vàng. Đây là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để ngoạn cảnh. Ảnh: Haikeu (Flickr). |
|
Ngoài những thửa ruộng bậc thang trải dài miên man, nằm bên cung đường đèo quanh co của Khau Phạ còn cả những cánh rừng già mang đậm nét nguyên sơ lưu giữ được nhiều loại động thực vật quý hiếm. Ảnh: Hoang Giang Hai (Flickr). |
Bài và ảnh: Lam Linh