Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Độc đáo kiến trúc chùa Keo

Chùa Keo tên chữ là “Thần Quang Tự” thuộc địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là ngôi chùa lớn và đẹp vào hàng bậc nhất ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.

Chùa Keo thờ Đại sư Không Lộ - một trong đại tổ của dòng Phật giáo Việt Nam. Chùa là công trình kiến trúc quy mô, phức hợp nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ với các khu tam quan, chùa Phật, điện thánh, gác chuông, hành lang và khu tăng xá, vườn tháp. Tất cả được đối xứng qua trục dọc là hai dãy hành lang Đông và Tây, phía sau của hai dãy hành lang là hai hồ nước lớn.
Trải qua bao đời chùa Keo vẫn luôn thanh tịnh, yên bình với những công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam.
Toàn cảnh chùa Keo
Bộ cánh cửa gian trung quan ở Tam quan nội làm từ thế kỷ XVII với những đường nét chạm trổ rồng chầu tinh xảo.
Kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo, một công trình độc đáo.
Kiến trúc gác chuông 3 tầng.
Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng Âm lịch, nhân dân làng Keo lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng.
Khách thập phương tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa.
Phía bên trong của ngôi chùa cổ kính.
Hành lang chạy dài từ chùa Hộ nối với nhà tổ và nhà trai sát gác chuông, bao quanh toàn bộ chùa.

Khuôn viên chùa – nơi du khách có thể nghỉ ngơi, ngắm cảnh

Chùa Keo là đặc trưng của kiến trúc chùa chiền Bắc Bộ


Nguyễn Hoan
(bố susu sưu tầm)

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Những món không thể bỏ qua khi đến Huế

Khi đi du xuân ở Huế, hãy thưởng thức hết những món ngon ở đây để có kỳ nghỉ trọn vẹn nhất.
1. Các loại bánh Huế
 Ở Hà Nội hay TP HCM cũng có những quán bán bánh Huế nhưng vị ngon không thể sánh bằng khi ăn những thức quà này ở đúng quê hương của nó. Nên khi đến cố đô hãy ghé khu phố ở Cung An Định, nơi có một loạt cửa hàng chuyên bán các loại bánh Huế.
Bánh bèo, bánh ram ít, bánh bột lọc... ở đây rất thơm và bao giờ cũng được dọn ra khi còn nóng hổi. Bánh bột lọc ăn dai dai, trong suốt có thể nhìn thấy nhân tôm hồng hồng ở giữa. Bánh ram ít phần trên ăn dẻo, phần dưới là bột rán giòn, giống như quẩy, ăn giòn tan. Bánh bèo trắng mịn, mỗi chiếc nhỏ vừa đúng lòng một chiếc đĩa con và phía trên một miếng tóp mỡ.
Bánh Huế chỉ làm từ bột và tôm nhưng không ngán. Mỗi loại bánh đi kèm với một loại nước chấm khác nhau. Thông thường có hai loại nước chấm: nước chấm sền sệt hơi ngọt và nước mắm nguyên chất có thêm ớt.
2. Cơm hến
Ở đường Trần Phú có một quán cơm hến mái lợp bằng tranh. Quán cơm này ít khách du lịch mà chủ yếu là những người dân lao động Huế tới đây ăn. Tuy vẻ ngoài lụp xụp, nhưng tất cả mọi thức đồ đều được bày biện ngăn nắp, sạch sẽ trong tủ kính. Mỗi bát cơm có rau thơm, nửa muôi hến, giá, hoa chuối thái rối được phủ lên một ít cơm dưới đáy bát và dọn ra cùng với một bát canh hến nóng hổi. 

3. Bún bò Huế
 Bún bò gắn với tên Huế đủ để nói lên nét đặc trưng của món ăn này đối với vùng đất cố đô. Nước dùng của bún bò được hầm từ xương bò, cho thêm một ít chả heo hay chả bò. Người ta còn cho vào một ít mắm ruốc, tạo nên một hương vị rất riêng. Thịt bò thái mỏng, một miếng giò heo, ăn kèm với tiết luộc, rau sống, bắp chuối... bún sợi to và nhất là đừng quên một thìa ớt. Không cay thì không gọi là bún bò Huế nhé. Trong sân Hội Nhà báo, gần trường Hai Bà Trưng và Quốc Học có một hàng bún bò rất đông khách mỗi buổi sáng. Ngoài ra, bạn có thể ăn bún bò ở các phố như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Công Trứ...

4. Chè Huế
 Chè Hẻm ở 27 Hùng Vương đã trở thành một địa điểm nổi tiếng ở Cố đô. Gần công viên Tuổi Trẻ cũng có một loạt các hàng chè di động, chiếu ánh đèn sáng rực cả một vỉa hè. Mỗi quán có khoảng hơn hai chục loại chè, đủ màu sắc được bầy trong các nồi nhôm. Người mua có thể chọn chè các vị hoặc thập cẩm với giá chỉ từ 10.000 đồng/cốc. 

5. Đậu hũ (tào phớ)
 Bạn nên ăn thử món đậu hũ mà người miền Bắc thường hay gọi là tào phớ khi đến Huế. Một trong những điều đặc biệt ở món ăn này ở Huế đó là phớ được nấu cùng với gừng. Đậu hũ không trắng muốt như ở Hà Nội mà hơi ngả màu vàng như màu của nước thắng đường và được xắt thành thừng lát mỏng như tờ giấy bồng bềnh trên mặt nước. Mùi thơm và hương vị cay cay của gừng khiến cho món ăn rất phù hợp vào những ngày đầu xuân lành lạnh.

6. Bánh khoái
 Nếu hỏi những người đạp xích lô trên phố, người ta sẽ dẫn bạn tới cửa hàng bánh khoái ở đường Hồng Mai, ở gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng. Nhưng so với những đĩa bánh bèo, bánh ram, bánh ít chỉ 20.000 – 25.000 đồng, thì một đĩa bánh khoái ở đây đắt gấp đôi. Bù lại nhân bánh đầy ắp, vỏ bánh vàng ruộm, giòn và nước mắm có đầy đủ vị: chua, cay, mặn, ngọt rất vừa. Nhúng miếng bánh vào nước chấm, cắn miếng bánh ngập răng mà không ngán. Chính vì vậy, khách ở đây lúc nào cũng đông. Những người phục vụ ở đây cũng rất nhiệt tình, khi ăn xong, họ sẽ gọi taxi đến tận nơi đón bạn hoặc ra vẫy xích lô đưa khách về. 

7. Bánh canh Nam Phổ
 Bánh canh của người Nam Phổ (huyện Phú Vang) nấu không giống với cách ở vùng khác, nhờ một bí quyết gia truyền. Để có những sợi bánh canh có mùi vị thơm ngon, người nấu phải chọn loại gạo đặc biệt, để ra sợi bánh mềm mà không nát, vừa thơm lại vừa khác biệt. Nước dùng cho bánh canh được làm từ cua, thịt nạc xay, tôm, sườn heo, chả, cùng với bí quyết riêng tạo cho bánh canh Nam Phổ có hương vị rất đặc trưng. Đó là màu vàng của gạch cua và tôm sền sệt, quánh lại trông thật hấp dẫn. Bánh canh Nam Phổ thường không có cửa hàng cố định mà chỉ bán ở các gánh hàng rong. Mỗi bát không quá 20.000 đồng.

8. Bún thịt nướng
Một trong những nét đặc biệt của món ăn này đó là nó không hề chan nước mà nước trộn cùng với bún là một loại nước tương đặc trưng của Huế, sền sệt có vị ngọt, rắc vừng. Thịt ướp gia vị, nướng thơm lừng, trộn với rau sống, giá, su hào, cà rốt. Làng Kim Long là nơi nổi tiếng với món ăn này. Bên cạnh bún thịt nướng, ở đây còn có món bánh ướt: bún, thịt nướng, rau thơm được quấn trong tờ bánh ướt mỏng tang, trắng nõn nà. 

Hảo Linh
(Bố susu sưu tầm)

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Gỏi xoài và thịt bò

Hãy làm nhiều món này một chút nhé vì chắc chắn đĩa nộm sẽ được các thành viên trong gia đình gắp nhiều nhất và hết veo ngay.
 Nguyên liệu:
- 300g thịt bò mềm
- 1 quả xoài xanh hay xoài chín hường
- 1 quả dưa deo nhỏ
- Ít nhánh mùi tàu, rau mùi, rau thơm
- Lạc, vừng rang thơm
- Hành phi giòn
- Nước mắm, ớt, đường, muối.



Cách làm:
Bước 1:
- Xoài gọt vỏ rửa sạch, bào sợi, bạn có thể dùng xoài xanh hay xoài chín hường, không dùng xoài chín rục vì khi ăn sẽ không giòn.

Bước 2:
- Thịt bò thái lát mỏng, ướp vào bát thịt bò một ít muối, một thìa nhỏ dầu ăn, trộn đều, ướp khoảng 15 phút.

Bước 3:
- Đun nồi nước sôi, cho thịt bò vào chần sơ để thịt chín tái, gắp thịt ra đĩa, thái nhỏ thịt bò.

Bước 4:
- Mùi tàu, rau mùi, rửa sạch, thái nhỏ.
- Rau thơm nhặt lấy lá, bỏ cọng, rửa sạch, thái nhỏ.

Bước 5:
- Dưa leo bỏ ruột, rửa sạch, thái sợi mỏng, trộn vào dưa leo nửa thìa nhỏ muối, để khoảng 15 phút sau đó vắt cho ráo nước.

Bước 6:
- Pha bát nước mắm gồm hai thìa canh nước mắm, hai thìa canh đường, thêm ớt bột vào bát nhỏ, vì xoài đã chua nên bạn không cần phải thêm chanh.
- Cho tất cả hỗn hợp gồm xoài, dưa leo, thịt bò, vào âu sạch.

Bước 7:
- Rưới bát nước mắm vào âu nộm, thêm vừng, lạc và các loại rau thơm, dùng đũa trộn đều, nêm nếm lại tùy theo sở thích của bạn, múc ra đĩa rắc một ít hành phi lên bề mặt, dùng kèm với bánh phồng tôm.


Cún Khang
(Bố susu sưu tầm)

Cận cảnh thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Thành được Hồ Quý Ly cho xây vào mùa xuân năm 1397, còn gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, Hà Nội). Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa vào cuối triều Trần và kinh đô của nước Đại Ngu trong khoảng 7 năm, từ 1400 đến 1407.


Cổng thành phía Nam là cổng chính dẫn vào Hoàng thành. Cổng này có ba cửa (cửa giữa rộng 5,82 m, cao 5,75 m, hai cửa bên rộng 5,45 m, cao 5,35 m).

Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. Trong đó, công trình đồ sộ nhất và còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là Hoàng thành. Toàn bộ mặt ngoài tường thành và bốn cổng chính được xây bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các bức tường thành được ghép từ những khối đá lớn, có phiến dài tới hơn 6 m, ước nặng 20 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.
 Cổng thành phía Bắc.


 Cổng phía Đông.
 Sử cũ chép, vào năm 1397, đất nước đứng trước nạn xâm lăng của nhà Minh, Hồ Quý Ly đã lệnh cho quan Thượng thư Bộ Lại kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh đến thị sát vùng đất Thanh Hoá để xây dựng thành trì, chuẩn bị cho việc định đô. Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay thuộc xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng người trong thiên hạ xa lánh, đoạn tuyệt với nhà Trần.
 Cổng phía Tây.
Theo sử sách ghi lại trong thành có nhiều công trình như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, Tây Thái Miếu, Đông Thái Miếu... rất nguy nga, tráng lệ chẳng khác gì kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, trải qua hơn 6 thế kỷ tồn tại với rất nhiều tác động của thiên nhiên và con người, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy.
 Các cổng được xây dựng theo kiến trúc hình mái vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau.
 Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây bằng những phiến đá màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm dài tới hơn 6 m, trọng lượng ước nặng 24 tấn.
 Nếu như mặt ngoài tường thành được ghép bằng đá xanh thì mặt trong tường được đắp bằng đất và đá nhỏ.

 Trải qua hơn 600 năm tồn tại với rất nhiều thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hiện nay một số đoạn thành ở khu vực phía đông và phía bắc đang bị sạt lở.
Theo sử sách trong thành có điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái miếu, núi Thọ Kỳ, Dục Tượng... rất nguy nga, chẳng khác kinh đô Thăng Long. Dấu tích nền móng của những cung điện xưa đang nằm ẩn mình dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng... Ảnh chụp mặt trong thành nhà Hồ nhìn từ cổng phía Nam.
 Ở giữa hoàng thành giờ chỉ còn lại hai con rồng đá bị chặt mất đầu. Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, đôi rồng đá này thuộc loại tượng rồng lớn và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam..
Nằm ở trung tâm tòa thành, hai con rồng mất đầu nằm song song hai bên đường đi xuyên qua thành nối từ cổng Nam lên cổng Bắc. Nhà Hồ thất thủ, đôi rồng đá mất tích bí ẩn. Năm 1938, tượng rồng đầu tiên được một nông dân phát hiện khi đang cày ruộng trong thành. Cho rằng đã là tượng rồng ở cung vua thì nhất thiết phải có cặp nên các chức dịch trong làng đã cho đào bới khắp vùng mới tìm được tượng rồng đá thứ hai.
Cặp rồng được chạm khắc rất tỉ mỉ. Thân rồng thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn bảy khúc, phủ kín vảy. Rồng có bốn chân, mỗi chân ba móng với các túm lông lượn mềm mại. Đầu rồng hiện đã bị mất nhưng vẫn còn phần bờm dài lượn chín nếp. Các khoảng trống dưới bụng và ô tam giác ghép thành bậc đều được chạm hoa cúc và móc hoa lượn mềm.
  Từ năm 2004 đến nay, qua nhiều lần khai quật khảo cổ quần thể di sản thành nhà Hồ, các nhà khoa học đã phát hiện hàng chục nghìn di vật, hiện vật quý liên quan đến triều Hồ như bi đá (dùng kết hợp với các con lăn để vận chuyển những khối đá lớn phục vụ việc xây tường thành)...
 Gạch bìa bằng đất nung dùng để xây dựng phía trên lớp tường thành bằng đá, nhằm tạo độ cao cho thành, cũng như tạo điều kiện cho quân sĩ quan sát xung quanh thành khi tuần tra, canh gác.
 Ngói đầu đao, đầu rồng... dùng để trang trí góc mái cung điện thời nhà Hồ.
 Đầu chim phượng.
 Cùng hàng nghìn hiện vật bằng gốm có giá trị khác.
 Đặc biệt, trong đó có các loại vũ khí gồm đạn đá, chông sắt bốn cạnh, mũi dao, mũi tên, đinh thuyền. Điều đó chứng tỏ công tác phòng thủ quân sự được triều nhà Hồ rất chú trọng.
 Để hoàn thiện việc định đô của vương triều, năm 1402 nhà Hồ đã cho xây dựng đàn tế Nam Giao ở Đốn Sơn cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía đông nam. Đây là nơi hàng năm vương triều Hồ tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc vào những dịp đại xá thiên hạ.
 Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng đàn là đá xanh và gạch ngói bằng đất nung.
 Một công trình được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là Giếng Vua (hay còn gọi là giếng Ngự Duyên, Ngự Dục). Giếng có hình vuông, được kè đá, dùng để cho nhà vua tẩy trần trước khi hành lễ trên đàn tế. 

Lê Hoàng
(Bố susu sưu tầm)

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Đầu xuân đi ăn ngon trên đất Sài Gòn

Quán mì vịt tiềm, các món nướng, quán cháo cá hay bò beefsteak... là những quán ăn vẫn mở cửa trong những ngày Tết. 
Trong những ngày đầu năm mới, nhiều quán ăn ở Sài Gòn tạm đóng cửa để nghỉ Tết, thật khó để bạn và gia đình tìm được quán ăn thích hợp cho mình. Dưới đây là một số địa chỉ quán ăn vẫn mở cửa dịp Tết.
1. Quán Khoái - 3A Lê Quý Đôn, quận 3: Nếu thích những món hải sản, các món bánh của miền Trung như: bánh xèo, bánh bèo, bánh căn... thì đây là một địa chỉ tốt cho gia đình bạn trong những ngày đầu năm.
ca-chinh-2-jpg[1332088530].jpg
2. Nếu muốn ăn mì vịt tiềm, bạn có thể ghé quán Huê Viên ở địa chỉ 227 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận (góc đường Phan Đình Phùng - Nguyễn Trọng Tuyển). Quán bắt đầu bán từ 15h.
mi-vit-tiem-jpg[1332088530].jpg
3. Nếu thích bò beefsteak bạn có thể ghé quán bò VinaOne ở địa chỉ 44 Mạc Thị Bưởi - quận 1. Quán bắt đầu bán từ 7h hàng ngày.
bo-3-jpg[1332088530].jpg
4. Cơm tấm Tài trên đường Nguyễn An Ninh - quận Bình Thạnh là địa chỉ không thể bỏ qua với những người thích món ăn này. Quán bán từ 6h đến trưa và từ 16h đến 22h.
5. Quán ăn Con Gà Trống - 285/C145 đường Cách mạng tháng 8, quận 10. Đây là nơi chuyên phục vụ  những món ăn truyền thống miền Tây Nam Bộ và Khmer.
goi-mehoo-jpg[1332088530].jpg
6. Cháo cá miền Tây - 3 Nguyễn Văn Bá, quận Thủ Đức. Ngoài cháo cá, ở đây còn có rất nhiều món ăn ngon khác như tôm nướng, cá nướng....
7. Nếu thích ăn món nướng, bạn có thể ghé đến quán nướng Babercue ngay góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn (quận 1).
thit-heo-jpg_1360722898[1332088530].jpg
8. Nem cua bể - 94 Đinh Tiên Hoàng, quận 1. Đây là quán ăn nổi tiếng với những món ăn đặc trưng của Hải Phòng như: miến xào cua, miến cua, nem cua bể...
9. Nếu muốn ăn miến gà, phở gà, bạn có thể ghé quán gà Kỳ Đồng - 14/5 Kỳ Đồng, (quận 3); Quán Phương Béo - 349 Nguyễn Trọng Tuyển, (quận Tân Bình); quán gà 43 Mạc Đĩnh Chi (quận 1).
mien-tron-jpg_1360722980[1332088530].jpg
10. Nếu thích ăn quán lề đường, bạn có thể ghé đến quán cháo sườn - đối diện chợ Tân Định (quận 1); quán bún cá Châu Đốc - góc đường Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu (quận 1).
Bài và ảnh: Khánh Hòa