Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Hủ tiếu ngon trên phố Sài Gòn

Hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu cá, hủ tiếu sa tế hay hủ tiếu gõ... là những món ăn hấp dẫn du khách của đất Sài Gòn.
Hủ tiếu sườn non
Có nguồn gốc từ thành phố biến Vũng Tàu, không phổ biến như các loại hủ tiếu khác nhưng hủ tiếu sườn non vẫn chiếm được cảm tình của thực khách vì hương vị thơm ngon.
hutieusuon-1376648962_500x0.jpg
Món ăn biến thể từ món hủ tiếu Nam Vang, thay cho tôm, gan, thịt... là những khúc sườn non. Sườn chặt vừa ăn, ít mỡ, được ninh mềm và thấm đẫm vị ngọt xương của nước dùng rất vừa miệng. Ngoài sườn non, nước dùng chính là điểm cộng cho món ăn này, trong, có vị ngọt thanh đặc trưng của nước hầm xương. Ăn kèm với hủ tiếu sườn non là đĩa rau sống xanh mướt với xà lách, cần tây, giá tươi... cùng chén nước chấm đậm đà làm tăng thêm hương vị cho món ăn.
Hủ tiếu sa tế
Món ăn là đặc sản của người Tiều, lưu truyền trong cộng đồng người Hoa nên những quán hủ tiếu sa tế rất hiếm gặp ở Sài Gòn, chủ yếu tập trung ở khu vực quận 5, quận 11. Sợi hủ tiếu của người Tiều không khác gì sợi hủ tiếu cá hay bánh phở Bắc thường thấy.
hutieusate-1376648963_500x0.jpg
Đây là món ăn rất độc đáo, bạn có thể đếm được gần 20 loại gia vị khác nhau trong một bát hủ tiếu như đậu phộng, vừng, tỏi, ớt, quế…. Sự pha trộn nhiều hương vị mang đến hương thơm thoang thoảng, béo ngậy rất đặc trưng. Ngoài các loại gia vị, nguyên liệu được sử dụng trong hủ tiếu sa tế là bò viên, thịt bò tái hoặc gân, gầu, thịt nai hoặc thịt heo cho bạn tha hồ lựa chọn.
Hủ tiếu Nam Vang
Trong những loại hủ tiếu ở Sài Gòn thì hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng nhất. Đây là món ăn được ví đa sắc tộc khi nó có nguồn gốc từ Campuchia, do người Hoa chế biến và người Việt thưởng thức. Thành phần khá đơn giản với sợi hủ tiếu, cùng các nguyên liệu như tôm, thịt nạc, lòng lợn, tim, thịt băm, trứng cút và nước dùng. 
hutieunamvang-1376648963_500x0.jpg
Ngày nay, hủ tiếu Nam Vang được chế biến với nhiều nguyên liệu khác nhau, ngoài thịt lợn và tôm, người ta có thể thưởng thức cùng cua, mực... Dù thay đổi thành phần như thế nào thì thịt băm là nguyên liệu không thể thiếu, vì thiếu đi thành phần này sẽ không còn là hủ tiếu Nam Vang nữa.
Hủ tiếu bò viên
Cũng như hủ tiếu sườn non, hủ tiếu bò viên chỉ có một nguyên liệu duy nhất là những viên bò giòn sần sật khi ăn. Khác với hủ tiếu sa tế hay hủ tiếu Mỹ Tho với sợi bánh lớn... hủ tiếu bò viên có sợi nhỏ, màu trắng đục như hủ tiếu gõ.
hutieubovien-1376648963_500x0.jpg
Tuy có thành phần đơn giản, lại không có gì đặc biệt nhưng bát hủ tiếu nóng hổi với sợi hủ tiếu dai, mềm cùng những viên bò ăn kèm ngon miệng thì sức hấp dẫn của món ăn này vẫn không thua bất kỳ một loại hủ tiếu nào khác.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Muốn ăn hủ tiếu Mỹ Tho thơm ngon và đúng chất thì phải tìm về đất Tiền Giang. Ở Sài Gòn không có nhiều quán hủ tiếu Mỹ Tho và điều quan trọng là không có được hương vị đặc trưng của món ăn này. Hủ tiếu Mỹ Tho đã được biến tấu từ hương vị và nguyên liệu để làm sao phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn.
hutieumytho-1376648963_500x0.jpg
Bát hủ tiếu Mỹ Tho như một bức tranh màu sắc đầy hấp dẫn với màu đỏ của tôm, màu xanh của cần tây, cải cúc, màu đỏ của ớt... Một gia vị rất quan trọng tạo nên hương thơm đặc trưng cho món ăn là tỏi băm nhỏ được phi thơm.
Hủ tiếu Sa Đéc
Cũng có đầy đủ các nguyên liệu quen thuộc như tôm, thịt, gan... nhưng hủ tiếu Sa Đéc có những nét khác biệt tạo nên sức hấp dẫn riêng so với hai thương hiệu còn lại. Nếu hủ tiếu Nam Vang có màu trắng, sợi nhỏ, mềm thì hủ tiếu Sa Đéc có sợi to, màu trắng đục, dai mềm và hơi giòn.
hutieusadec-1376648963_500x0.jpg
Điều dễ nhận biết nhất là nước dùng trong vắt, ngọt thanh kết hợp với các nguyên liệu ăn kèm một cách hài hòa. Được điểm xuyết thêm hành lá và rau mùi làm cho bạn không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn từ món ăn có nguồn gốc từ đất miền Tây này.
Hủ tiếu cá
Hủ tiếu cá là món ăn nổi tiếng của người Hoa. Không nhỏ như sợi hủ tiếu chúng ta thường ăn, sợi hủ tiếu cá mềm như bánh phở nhưng bản to gấp đôi. Cá dùng để chế biến là cá lóc tươi, đã bỏ xương làm sạch và lóc thịt, thái lát, ướp chút muối, hạt nêm.
hutieuca-1376648964_500x0.jpg
Nước lèo được nấu từ xương lợn, phải là xương ống có tủy để khi hầm nước có vị ngọt đậm đà, nước lèo cũng sẽ trong hơn. Gia vị nêm nước lèo ngoài những loại phổ biến còn có một gia vị đặc biệt là tăng xại (hay còn gọi là cải nặm). Hủ tiếu cá được ăn kèm với xà lách, giá, ớt, chanh và không thể thiếu nước tương (xì dầu).
Hủ tiếu gõ
Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ tiếng gõ lóc cóc vào mỗi chiều tối của những người bán. Nếu mới vào Sài Gòn, bạn sẽ ngạc nhiên trước âm thanh lóc cóc vang lên từ hai thanh tre. Đó đích thị là tiếng rao mời của hủ tiếu gõ. Nếu hủ tiếu Nam Vang là món ăn mắc tiền thì hủ tiếu gõ chính là món ăn lót dạ của giới công nhân, sinh viên khi tan tầm hay đêm muộn.
hutieugo-1376648964_500x0.jpg
Chủ nhân của những chiếc xe hủ tiếu gõ không bao giờ là người miền Nam, mà thường từ miền Trung vào Nam lập nghiệp. Nghệ thuật của món ăn này được thể hiện qua việc thái thịt, từng lát thịt được thái mỏng như tờ giấy. Nhưng, ăn hủ tiếu không phải vì mê ăn thịt, người ta thích vì sự thuận tiện, luôn được phục vụ tận nơi với bát hủ tiếu đầy ắp còn bốc khói nghi ngút. Đơn giản là thế, nhưng với những người dân Sài Gòn, mỗi khi đi xa lại nhớ quay quắt tiếng lóc cóc quen thuộc của món ăn bình dân này.
Khánh Hòa
(bố susu sưu tầm)


Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Đón ánh bình minh đầu tiên trên mũi Đại Lãnh

Nằm trên doi đất nhô ra biển của Phú Yên, mũi Đại Lãnh là điểm đón ánh mặt trời đầu tiên trên đất liền của lãnh thổ Việt Nam.
Có hai cách để đến với mũi Đại Lãnh, vẫn được người Phú Yên gọi với cái tên mũi Điện. Từ phía Nha Trang ngược ra bắc, theo đèo Cả rồi rẽ xuống vịnh Vũng Rô và từ phía Tuy Hòa men theo dọc con đường biển tuyệt đẹp dài 40 km là tới nơi. Đường từ Tuy Hòa dễ đi và gần với mũi Đại Lãnh hơn từ phía Nha Trang. Đoạn đường này đã được hoàn thành, chạy vòng sát eo biển để đến với Đại Lãnh, thay vì phải chạy theo con đường quốc lộ một đi qua đèo Cả với rất nhiều xe cộ qua lại.
Chào bình minh tại điểm đón mặt trời đầu tiên của đất nước sẽ khiến bạn cảm thấy háo hức. Nếu không thể chạy đến với Đại Lãnh từ tối hôm trước và ngủ lại tại ngọn hải đăng, bạn có thể thuê xe máy từ Tuy Hòa và chạy sớm để thực hiện điều này.
Con đường dài 40km từ Phú Yên với biển xanh và cát trắng. Xa xa, mũi Đại Lãnh kiêu hãnh giữa trời xanh, được ôm ấp bởi bãi Môn tuyệt đẹp.
Đại Lãnh nằm trong phần đất của địa phận tỉnh Phú Yên. Nếu hỏi người dân quanh vùng về mũi Đại Lãnh, bạn thường được chỉ xuống tận chân đèo Cả, nơi có một thị xã mang tên Đại Lãnh. Người dân vẫn quen gọi tên Mũi Điện và ngay cả những cột mốc dẫn đường chạy dọc Phú Yên vẫn còn ghi tên Mũi Điện.
Con đường uốn lượn theo biển bạc lấp lánh với những bãi biển trải dài bên cạnh vô vàn những bãi nhỏ riêng tư mà bạn có thể chọn bất cứ nơi nào làm thành bãi tắm của riêng mình. Đường vắng người, chỉ có gió biển và tiếng sóng ầm ào. Xa xa, đã nhìn thấy mũi Đại Lãnh nơi chân trời.
Cách đây vài năm, lên ngọn hải đăng phải băng theo con đường mòn qua núi, giờ con đường này đã được xây bê tông để phục vụ lượng khách du lịch ghé thăm ngày càng đông. Nếu xe đủ khỏe, bạn có thể chạy thẳng lên tận ngọn hải đăng. Còn nếu không, bạn có thể gửi xe tại nhà chú Mười, ngôi nhà duy nhất dưới chân ngọn hải đăng và đi bộ lên, mất chừng 15 – 20 phút.
Đường lên Đại Lãnh đã được xây sửa và dễ đi hơn trước. Có thể chạy xe máy thẳng lên ngọn hải đăng.
Từ trên cao nhìn xuống là toàn bãi Môn cát trắng ngần, nước biển trong vắt. Vài con thuyền nhỏ dập dìu trên sóng. Đứng từ trên cao này nhìn thấy rõ con suối nước ngọt chảy zíc zắc ra biển. Đây chính là một bể bơi nước ngọt tự nhiên cho những người tắm biển tại bãi Môn.
 
Khung cảnh bãi Môn hoang sơ với màu xanh bất tận của trời và biển.
Mũi Đại Lãnh là điểm đón ánh mặt trời đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam. Chinh phục điểm này ngày nay không còn khó khăn. Cuối tuần và vào mùa hè, có rất nhiều khách ghé thăm và ngủ lại tại ngọn hải đăng để buổi sớm thức dậy được đón ánh mặt trời đầu tiên chiếu sáng. Tại ngọn hải đăng không có nhiều chỗ nghỉ, bạn nên liên hệ trước về "chốn ngủ" với đồn biên phòng. Chi phí khoảng 200.000 đồng/ người.
Lam Linh
(Bố susu sưu tầm)