Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Bánh bèo chén đơn giản dễ làm

Trong những buổi chiều trời trở gió, bạn hãy tự tay vào bếp làm món bánh bèo chén truyền thống xứ Huế làm món đổi vị cho các thành viên trong gia đình.
Những chén bánh bèo nóng hổi, đầy màu sắc thật hấp dẫn. Ăn kèm là chén nước chấm đậm đà hơi cay càng làm tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn rất bình dị của đất cố đô.


Nguyên liệu:


- 100g bột gạo, 15g bột năng, 500ml nước lạnh (nếu đặc quá bạn có thể pha thêm),

- 200g tôm đất, ớt trái, hành lá, nước mắm, đường, muối, dầu hạt điều, da heo phồng.

Cách chế biến:

 - Trộn hai loại bột lại với nhau, thêm một ít muối, cho nước vào và khuấy tan. Để hỗn hợp bột đó trong khoảng 4 giờ trước để bột dậy và dai hơn. Trước khi đổ bánh, bạn bỏ phần nước trong ở trên mặt, cho vào đó một lượng nước ấm bằng lượng đã bỏ đi.
 - Xếp chén bánh bèo vào xửng hấp, thoa đều dầu vào các chén. Hấp chén nóng thì khuấy đều bột, đổ bột gần bằng mặt chén rồi đem hấp chín. Trong quá trình hấp, nhớ canh đều lửa, không để lửa quá lớn hoặc quá nhỏ làm bánh chín không đều hoặc bị lại bột (sống).
 - Hấp trong khoảng 7 phút, mở nắp ra thấy bánh chuyển sang màu trắng đục là bánh đã chín.
 - Da heo phồng bạn xé thành từng phần nhỏ và đem chiên vàng.
 - Tôm đất cắt bỏ râu, đuôi, rửa sạch rồi luộc chín. Bóc bỏ vỏ tôm, giã tôm hơi dập (nếu bạn thích ăn mịn thì giã nhuyễn). Đặt chảo lên bếp, làm nóng với ít dầu, cho tôm đã giã lên chây khô với ít màu hạt điều, muối.
 - Chấy đến khi tôm khô, tơi và có màu vàng đẹp mắt là được.

- Hành lá rửa sạch, thái nhỏ. Làm nóng chảo với ít dầu, đợi dầu sôi thì cho hành lá vào, trộn đều để làm mỡ hành.

- Nước luộc tôm lấy một lượng vừa phải, cho vào nồi đun nóng để pha nước chấm. Khi nước luộc tôm sôi, pha với nước mắm, đường và khuấy tan, nếm có vị đậm đà hơi ngọt dịu là được. Thái ớt thành từng lát mỏng cho lên bề mặt nước chấm.
 - Khi ăn, cho ít tôm chấy, da heo phồng, mỡ hành lên trên. Ăn kèm là chén nước mắm ớt hơi ngọt ngon miệng.

Huấn Phan
(bố susu sưu tầm)

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Lai rai bò nướng đá trong khí hậu Tây Nguyên lành lạnh

Từng lát thịt bò được nướng chín mềm trên những phiến đá nhỏ của núi rừng Tây Nguyên đem đến một món ăn ngon lạ miệng. 
Món ăn được chế biến khá đơn giản với thịt bò tươi, ăn kèm là bánh tráng, bún, rau sống các loại và mắm nêm.
 Không chỉ hấp dẫn với cơm lam, gà sa lửa, gỏi cà đắng hay gỏi rau rừng... ẩm thực Tây Nguyên còn quyến rũ du khách bằng món bò nướng đá đậm đà thơm ngon khiến ai một lần thưởng thức thì không thể quên được.
Nghe tên có vẻ xa lạ nhưng thực ra nguyên liệu cũng như cách chế biến món ăn này rất đơn giản. Thành phần bao gồm thịt bò phi lê, rau sống các loại, bánh tráng và mắm nêm. Sẽ là nhiếu sót nếu không nhắc đến những phiến đá nhỏ dùng để nướng thịt bò. Việc làm chín bằng hơi đã nóng giúp miếng thịt bò mềm, ngọt và thơm ngon hơn.
Một miếng đá mỏng được nun nóng, thịt bò được nhúng qua dầu và nướng chín trên phiến đá.
 Bò được sử dụng là loại bò thịt ở Tây Nguyên, được nuôi ngoài đồng cỏ nên cho thịt săn chắc, mềm, có vị ngọt nhẹ rất ngon. Thịt bò rửa sạch, thái thành từng lát không quá dày (khó thấm gia vị) hay quá mỏng (khi nướng chín bị khô), ướp thịt bò với các gia vị như ngũ vị hương, muối, một ít đường, hành tím, tỏi, sả băm và vừng. Trộn thật đều, tiếp đến cho ít dầu ăn vào đảo đều để thịt bò khi nướng không bị khô.
Quạt lò than thật hồng, lấy một phiến đá nhỏ, sạch đặt lên trên. Khi phiến đá nóng, cho lên bề mặt một ít dầu ăn, ít tỏi băm cho dậy mùi thơm. Sau cùng, bạn lần lượt gắp từng lát thịt dàn đều trên bề mặt phiến đá và nướng chín. Khi nướng nhớ trở đều để lát thịt bò chín vàng hai mặt. Chỉ nên nướng vừa chín tới, không nên nướng quá khô sẽ làm lát thịt bò bị mất nước, không ngon.
 Bò nướng đá có thể làm món lai rai nhâm nhi cùng bạn bè bên ché rượu cần trong cái khí trời lành lạnh Tây Nguyên khi đêm về. Tuy nhiên, ngon nhất là phải cuốn bánh tráng, bún tươi, rau sống các loại và ăn kèm với mắm nêm. Sự hòa quyện giữa hương vị của thịt bò, hương thơm của các loại rau, mắm nêm đậm đà hơi cay làm tăng thêm sự hấp dẫn, ngon miệng cho món ăn mang đặc trưng núi rừng Tây Nguyên này.
Huấn Phan
(bố susu sưu tầm)