Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Con đường lát đá xuyên rừng Hoàng Liên Sơn

Kéo dài từ bản Nhìu Cù San (huyện Bát Xát – Lào Cai) đến Phong Thổ - Lai Châu, con đường lát đá phủ đầy rêu xanh ẩn mình dưới tán rừng già Hoàng Liên Sơn đang lặng lẽ ngủ yên.
Trên cung đường đá cổ này, có nhiều phân đoạn những viên đá được mài nhẵn, không rõ bởi dấu chân người, ngựa, lừa hay bởi mưa gió, chỉ thấy thấm đẫm dấu vết của thời gian. 
Ruộng bậc thang ở bản Nhìu Cù San

Con đường duy nhất đến bản Nhìu Cù San là đi từ Mường Hum. Nhìu Cù San là bản làng ở vị trí cao và xa nhất ở khu vực này.

Bắt đầu từ bản Nhìu Cù San giữa lưng trời, những dải ruộng bậc thang trải dài xuống đến tận những thung sâu là bạn đồng hành của du khách trên đường tiến vào đại ngàn. Bốn phía là những dãy núi sừng sững nguy nga, nhiều ngọn ẩn mình trong sương mù. Chỉ khi nắng lên rực rỡ và sương mù tan đi, cảnh hùng vĩ hoành tráng mới hiện ra, phô bày nét uy nghi giữa đất trời thăm thẳm.
Tạm biệt bản Nhìu Cù San, chúng tôi vượt qua những triền đồi hoang vắng trước khi tiến vào đại ngàn. Con đường lát đá đã xuất hiện dưới chân. Những viên đá to thì cỡ bánh xe, nhỏ thì cỡ nắm tay được lát đều trên con đường. Đa phần các viên đá lát được mài nhẵn qua thời gian.
Con đường tiến vào đại ngàn với những viên đá được mài nhẵn qua thời gian

Tiến sau vào rừng già, những viên đá được phủ lên một lớp rêu xanh mướt. Lác đác lá rụng phủ lên khiến con đường trở nên hoang vắng. Mặt đường rất trơn, nếu không có giày bám đường tốt thì việc vồ ếch liên tục là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Những viên đá được phủ lên một lớp rêu xanh

Từ Nhìu Cù San, du khách vượt qua đèo Mây để đến bản Sàng Ma Pho. Đèo Mây là điểm chia tách hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Men theo con đường nhỏ du khách sẽ tới được bản Sàng Ma Pho. Đây là bản làng cao, xa và ở nới có địa hình hình hiểm trở nhất thuộc huyện Sin Suối Hồ, Lai Châu.








Dấu chân ký sự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét