Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Sa Huỳnh, cát thì vàng và gió thì… xanh

(iHay) 'Mình tạm rời Tây Nguyên, đi đâu đó để kỷ niệm ngày cưới đi anh. Nhưng đi đâu hả em? Về biển. Vậy là một chiều hè, bọn em rơi trúng Sa Huỳnh', một cặp vợ chồng trẻ dí dỏm giải thích ngắn gọn với tôi cái duyên cớ khiến họ có mặt ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) 
Hôm sau, tôi lại gặp họ trên bãi biển. Cô vợ nói: "Bọn em gọi cho tứ thân phụ mẫu để gia hạn rồi. Vợ chồng em quyết định “tiêu” cho hết tuần trăng mật ở Sa Huỳnh". Biết tôi là “thổ địa”, anh chồng thân thiện níu tay tôi ngồi xuống cát. Anh mở túi xách, lấy ra hai lon bia. Và tôi biết tôi cũng đang “tiêu” 60 phút đi bộ thể dục vì sự cởi mở của anh chàng mới cưới vợ này.

Anh chồng nói: "Bọn em đã du lịch Sa Huỳnh trên mạng trước khi đến với Sa Huỳnh… bằng xương bằng thịt. Cô vợ xen vào: "Nhà thơ Xuân Diệu từng phượt đến đây cơ, có thơ hẳn hoi đấy nhé". Rồi cô đọc: “Hỡi mình biển đẹp vô ngần. Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh”. Anh chồng có vẻ không thần tượng “ông hoàng thơ tình” cho lắm nên cười cười, nói câu thơ này được cái… gieo vần chuẩn không cần chỉnh.

 Còn tôi thì mắc cỡ. Một nhà thơ tiếng tăm từ thế kỷ trước viết về quê mình mà mình lại không biết. Tôi à ừ, chữa thẹn bằng cách đọc thơ bạn mình: “Nếu về Sa Huỳnh em đừng xõa tóc. Gió Sa Huỳnh ngang dọc lắm em ơi”. Anh chồng cười tinh nghịch, âu yếm vuốt tóc vợ: "Em thấy chưa, thả tóc… lung tung thế này chắc em “gửi hương cho gió” mất thôi, còn đâu là của anh, hả?".
Tôi lại thêm một lần mắc cỡ. Những cảm nhận tinh tế và đậm chất thơ của hai vợ chồng về biển khiến tôi chợt thấy mình từ lâu “chai sạn”. Rất thân tình và bộc trực, anh chồng mở quyển sổ tay đọc một đoạn nhật ký phượt của mình:

"Ngày… tháng…
Về biển mới hiểu ngọn nguồn hai từ “đất - nước”. Tổ quốc mình không chỉ có đất mà còn bát ngát biển đảo ngoài kia. Tiếng sóng từ trùng khơi vọng về là lời đảo xa can trường trong sóng dữ. Tiếng sóng trên ghềnh dưới bãi là lời khắc khoải thương nhớ không nguôi của bờ hướng vọng biển khơi. Tiếng sóng vỗ vào thềm cát dịu êm là lời ru trên những cung bậc yên bình…".
Tôi đang muốn bày tỏ sự đồng cảm thì anh chàng cười khá hồn nhiên: "Em “tập làm văn” cũng được đấy chứ anh?".
Cô cũng không kém chồng. Cô nói: "Em mê cát Sa Huỳnh quá! Sa Huỳnh nghĩa là cát vàng phải không anh? Nhưng không phải là gam màu vàng duy nhất mà là thứ màu vàng uyển chuyển biển đổi tùy vào mỗi thời điểm khác nhau trong ngày. Sáng sớm là vàng nâu, trưa là vàng óng ánh, chiều là vàng mơ; và khi trăng lên, cát có màu vàng pha bạc".

Tình yêu non nước biển trời của họ đã chạm vào cảm xúc của tôi. Và tôi chợt thấy tuổi trẻ của mình bồi hồi bên tuổi trẻ của họ. Nói cách khác là họ 'trẻ' sang tôi – một người đang ngồi ngắm tuổi 50 chơi vơi của mình. Có lẽ vì thế mà khi vợ chồng họ rủ mới có vài tiếng, tôi đã gật đầu cái rụp, cùng đồng hành với họ trong những ngày du lịch và du khảo Sa Huỳnh.

Trước đây nhiều thế kỷ, Sa Huỳnh (thuộc xã Phổ Thạnh, H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) có tên đầy đủ là Sa Hoàng tấn (cửa trấn thủ Sa Hoàng). Khi Nguyễn Hoàng lên ngôi, vì lý do “kỵ húy” nên chữ Hoàng buộc phải đổi thành chữ Huỳnh. Điều đó không quan trọng nếu so với sự hưng phế của những vương triều. Điều quan trọng là cát Sa Huỳnh vẫn "vô tư vàng" giữa bao nhiêu dâu bể.
Tôi đã đưa cặp vợ chồng mê phượt này ghé thăm những danh thắng trong quần thể du lịch Sa Huỳnh: Bù Nú, Bãi Con, Đảo Khỉ, Châu Me, Gành Nhu… Nơi nào họ cũng bấm máy ảnh tanh tách và thầm lo cái thẻ nhớ… lỡ đầy.
Ba ngày sau, bằng xe máy, chúng tôi rời khu nghỉ mát, thẳng tiến lên Gò Ma Vương để nghe tiếng vọng của những nghìn năm. Đây là di chỉ khảo cổ nổi tiếng khi hàng trăm ngôi mộ chum được khai quật từ năm 1909 với tên gọi “Nền Văn hóa Sa Huỳnh”. Những chiếc rìu, lưỡi câu, khuyên tai, vòng cườm… bằng đá được tùy táng (chôn theo người chết) trong những ngôi mộ chum đã dựng lại cuộc sống, lao động và mỹ cảm của người Sa Huỳnh cổ cách đây hơn 3.000 năm.
Chum cổ

 Cô vợ nũng nịu nói với chồng: “Cho em bổ sung 3 cái “mê” nữa nhé! Ngoài mê màu vàng của cát, em còn mê mắm nhum, mê nếp ngự, mê cánh đồng muối Sa Huỳnh".

Cô này tinh tế thật. Mấy cái thuộc về bản sắc Sa Huỳnh cô đều mê tất. Mà không mê sao được. Mắm nhum hả? Ngày xưa, vua Bảo Đại còn mê nữa là. Một lần đi kinh lý, vua đã cho đoàn xa giá dừng lại Phổ Châu, một địa phương nằm cạnh Sa Huỳnh, chỉ để chờ lý trưởng dâng lên vài hũ mắm nhum. Cứ cái lý mà suy, Nam Phương hoàng hậu chắc cũng từng… say mắm nhum.
Làm mắm nhum trên bãi biển

 Cô nói: "Hôm qua em đã ăn loại xôi gì lạ lắm, màu đỏ thắm, dẻo và thơm quá là thơm". Đấy là nếp ngự nấu với thịt quả gấc. Gọi là nếp ngự vì ngày xưa loại nếp này dùng để tiến vua, hạt tròn mẩy, trắng muốt. Đặc biệt nếp ngự chỉ là… nếp ngự khi nó được gieo trồng trên cánh đồng Sa Huỳnh. Nông dân ở vùng lân cận từng đem hạt giống nếp ngự về gieo chỉ gặt được nếp thường. Chất lượng loại nếp “quý tộc” không còn nữa.

Xôi điều nếp ngự

 Và cánh đồng muối Sa Huỳnh trên 500ha trắng lóa dưới nắng hè là nguồn cảm hứng của cô gái Tây Nguyên. Cô đã yêu vô cùng những diêm dân đội nắng làm ra hạt muối. Cô nói mỗi hạt muối là một “hạt biển” đã kết tinh, trong đó đong đầy vị mặn mồ hôi của biết bao đời người lam lũ.

 Đồng muối Sa Huỳnh

Lần thứ ba tôi lại… mắc cỡ khi anh chồng đọc những câu thơ khá hay, viết về muối Sa Huỳnh, về một chiến sĩ giải phóng quân đã ngã xuống trên đồng muối mà tôi không biết. Anh nói đó là thơ Thanh Thảo: “Những mảnh gốm Sa Huỳnh sống hơn ba nghìn năm. Bạn hóa lá cờ năm hai mươi tuổi. Hai mươi tuổi bạn trắng trong hạt muối . Muối Sa Huỳnh mặn biết mấy nghìn năm”. Ngày cuối cùng, ba chúng tôi chầm chậm “di hành giã biệt” trên bãi Sa Huỳnh mênh mang nắng. Anh chồng nói sẽ đưa vợ trở lại. Cô không hứa gì, chỉ nói với tôi là gió quê anh lạ lắm, gió có… sắc màu. Này nhé, gió từ biển xanh ngát thổi về, qua những ngọn núi xanh rờn bờ bãi, qua những rặng dương xanh thẫm, những hàng dừa xanh biếc, những cánh đồng xanh non… Đó là những ngọn gió màu xanh.
Du ký của Trần Cao Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét