Đường Hạnh Phúc được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc
của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2
triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng
được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng cm
để làm trong 11 tháng.
Những dãy núi đá tai mèo cao vút, hiểm trở, đâm toạc bầu trời với đủ
hình thù kỳ dị, chỗ thì dựng đứng, chỗ lại xô nghiêng, chỗ xanh rì cỏ
cây, nơi lại chỉ toàn một màu đá xám trần trụi.
Dốc Pải Lủng uốn lượn với nhiều cua tay áo trước khi lên đỉnh đèo Mã Pí Lèng.
Đường đèo chênh vênh giữa lưng núi, đâu đó vẫn còn những bản làng nằm vắt vẻo trên cao. Theo Đỗ Doãn Hoàng trong bài viết Kỳ tích Mã Pí Lèng,
“trong lịch sử làm đường của Việt Nam, có lẽ đó là con đường thi công
hoàn toàn bằng sức người gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất;
chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất; và cũng bi
tráng nhất (khi con đường hoàn thành, phải có một nghĩa trang riêng để
tưởng nhớ những người đã ngã xuống)”.
Đường đèo uốn khúc quanh co, dưới chân là vực sâu sông Nho Quế như xẻ
đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là đường đi Săm Pun, nơi có
cột mốc biên giới và cửa khẩu thông sang Trung Quốc.
Con đường đèo uốn lượn qua những vách núi, vượt qua đỉnh Mã Pí Lèng ở độ cao gần 2000 m.
Với địa thế hiểm trở và cảnh quan hoang sơ hùng vĩ, đèo Mã Pí Lèng xứng
đáng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam
(cùng với đèo Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ).
Bạn sẽ bắt gặp nhiều người Mông đi bộ trên đường đèo, họ đi chợ Đồng
Văn và về Mèo Vạc. Đôi khi có một vài người uống rượu say, ngủ hồn nhiên
trên đường quên trời đất.
Cuối đường đèo, tới ngã ba Săm Pun - Mèo Vạc, nếu may mắn bạn sẽ thấy
vài quán cóc ven đường trong những ngày nắng đẹp. Chiếc bàn gỗ đơn sơ,
trên bày vài chai rượu cùng những chiếc bát sứt men cũ, lưa thưa dăm ba
chiếc ghế gỗ. Vài người đàn ông đang ngồi phả khói thuốc một cách sảng
khoái, mấy người phụ nữ và con trẻ đi bộ ngang qua ngoái đầu nhìn lại.
Cuộc sống của họ ở nơi thâm sơn quỷ cốc này thật đơn giản.
Đứng trên đỉnh đèo, du khách như vỡ òa trong cảm xúc, choáng ngợp trước
không gian sông núi hùng vĩ. Chặng đường chinh phục đèo hiểm trở với
nhiều cung bậc cảm xúc, cảnh vật biến hóa khôn lường luôn thôi thúc ước
mơ được một lần đặt chân đến của nhiều người, những kẻ đến rồi thì thèm
muốn trở lại thêm nhiều lần.
Hachi8
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét