Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

10 lý do nên ‘xách ba lô’ du lịch đảo Phú Quý ít nhất một lần


Dù vẫn còn mang vẻ hoang sơ và chưa được khai thác mạnh về du lịch, thế nhưng đó lại là một lợi thế cực kỳ thú vị của Phú Quý, khiến hòn đảo xinh đẹp này đang ngày càng hút hồn các bạn trẻ yêu du lịch bụi.


Phú Quý là một hòn đảo nhỏ nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km, ấn tượng đầu tiên của bạn khi đặt chân đến đây là khung cảnh rất hoang sơ và gần như chưa có sự đụng chạm của các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp. Có lẽ vì thế mà Phú Quý đang dần trở thành cái tên hot hơn bao giờ hết trong đầu của các bạn trẻ yêu du lịch. Nếu bạn vẫn còn đang băn khoăn rằng hòn đảo bé nhỏ này có điều gì hấp dẫn với các bạn trẻ, thì 10 lý do đưa ra dưới đây sẽ khiến bạn không ngần ngại “xách ba lô” lên đường du lịch đảo Phú Quý ngay trong mùa hè này!
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-1
Vách núi có hình dáng ấn tượng trên chùa Linh Sơn. Ảnh: San San
1. Cơ hội nhìn ngắm khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp
Chẳng ai ghé thăm biển đảo mà lại bỏ về khi chưa ngắm hoàng hôn. Có thể mỗi người có một lý do, một dự định riêng khi ngắm hoàng hôn ở biển, nhưng đến Phú Quý rồi, dù bạn chẳng có lý do hay dự định gì thì bạn cũng chẳng thể rời mắt được cảnh hoàng hôn rực rỡ ở nơi này. Có rất nhiều điểm ngắm hoàng hôn đẹp trên đảo như: Bờ kè Ngũ Phụng, dinh Thầy Nại, vịnh Triều Dương,… tuy nhiên điểm ngắm hoàng hôn đẹp và phổ biến nhất là ở đỉnh núi của chùa Linh Sơn. Bởi từ đây bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ra khung cảnh phía xa, nơi khi mặt trời buông xuống sẽ tạo thành những sắc cam đậm nhạt trên nền trời, trông rất ngoạn mục.
10-dao-phu-quy-ivivu-1
Khung cảnh hoàng hôn lãng mạn trên bờ kè Ngũ Phụng. Ảnh: Khoa Trần
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-3
Mặt trời đang dần buông xuống trên bến cảng Phú Quý…. Ảnh: Khoa Trần
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-4
Và hoàng hôn rực rỡ nhìn từ đỉnh núi của chùa Linh Sơn. Ảnh: San San
2. Người dân hiền lành chất phác và cực kỳ thân thiện
Thực sự không có nhiều điểm đến du lịch mà người dân lại vui vẻ chào đón bạn như ở đảo Phú Quý, và bạn sẽ nhanh chóng nhận ra điều này ngay khi bước chân vào địa phận của đảo. Rất nhiều du khách đã từng đến thăm đảo đều có chung một một nhận định rằng, người dân đảo Phú Quý rất nhiệt tình và tốt bụng, họ có thể mang đến cho bạn sự yên tâm và nhiều tiếng cười. Do vậy, bạn đừng vội ngạc nhiên khi bạn được một người dân tốt bụng mời vào nhà để uống nước và chia sẻ những câu chuyện thú vị trên đảo nhé!
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-5
Người dân địa phương đang đợi thuyền đánh cá vào để thu mua hải sản. Ảnh: Khoa Trần

3. Các bãi tắm rất vắng người
Du khách biết nhiều đến đảo Phú Quý cũng chỉ mới vài năm trở lại đây, và cũng do sự khó khăn về đi lại nên số lượng người đến đảo cũng không quá nhiều, chủ yếu vẫn là khách du lịch bụi. Do vậy, tình trạng chen chúc, đông đúc ở các bãi biển là hoàn toàn không có ở đảo. Bạn có thể thỏa thích ngâm mình trong làn nước sạch trong, nhìn ngắm trời biển bao la và chợt nhận ra xung quanh mình không có một ai, nên có thể thỏa thích hát hò và làm mọi điều mình thích và không sợ bị ai đó nhìn với ánh mắt “hình viên đạn”.
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-6
Không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn chợt nhận ra mình là người duy nhất đứng ở bãi biển xinh đẹp này. Ảnh: San San
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-7
Khung cảnh hùng vĩ của Gành Hang. Ảnh: San San
4. Lý tưởng để khám phá bằng xe máy
Với diện tích rộng gần 16,4km², nên không có cách nào tuyệt hơn để khám phá đảo là vi vu trên một chiếc xe máy. Giá thuê xe máy trên đảo từ 100 – 120.000 đồng/ngày, tùy vào chất lượng xe, bạn có thể dễ dàng thuê xe ở ngay nhà nghỉ mình ở, bởi nhà nghỉ nào trên đảo cũng có kèm dịch vụ này. Điểm nhấn đặc biệt khác ở đây là mặc dù là đảo nhỏ, hoang sơ và không bao giờ thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông nhưng người dân ở đây lại rất chấp hành luật giao thông. Đi trên đường bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy cảnh xe chở 3 hay không đội mũ bảo hiểm, nhiều em bé trên đảo cũng được ba mẹ trang bị cho những chiếc mũ bảo hiểm bé bé xinh xinh để đội.
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-8
Khám phá đảo bằng xe máy là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Ảnh: Khoa Trần
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-9
Một ngõ nhỏ yên tĩnh xinh đẹp trên đảo. Ảnh: Khoa Trần
5. Cơ hội thưởng thức cua Huỳnh Đế với giá “bèo”
Đi đảo thì tất nhiên hải sản là món ăn hầu hết du khách không thể bỏ qua rồi, tuy nhiên ăn gì để khi nhắc đến món đó bạn sẽ nhớ về hòn đảo này thì theo không có món gì qua mặt: Cua Huỳnh Đế. Không như những loài cua thông thường khác, cua Huỳnh Đế to lớn đẫy đà, xấp xỉ 500g – 1kg/con. Mới nhìn thoáng qua trông giống như một chú nhện khổng lồ, lông tua tủa, hai càng đưa ra như cái “mỏ lếch” nhưng có cái “lưng” bầu tròn và toàn thân màu đỏ hồng rất đáng yêu. Do sự quý hiếm và bổ dưỡng của món ăn này, nên từ xa xưa cua Huỳnh Đế đã được lựa chọn là món ăn để tiến Vua. Do vậy, tới đảo Phú Quý bạn sẽ cơ hội được thưởng thức món cua đặc sản thơm ngon này vẫn còn sống với mức giá chỉ từ 350.000 – 400.000/1kg.
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-10
Cua Huỳnh Đế thơm ngon ăn rất đáng “đồng tiền bát gạo”. Ảnh: haisanphanhiet
6. Nước biển trong xanh nhìn thấy đáy
Mang đặc điểm của vùng đảo hoang sơ, ở Phú Quý có rất nhiều bãi biển đẹp với cát trắng, nước trong veo, phản chiếu trời xanh ngắt. Vùng biển này cũng chưa được đưa vào khai thác dịch vụ du lịch nên mọi thứ đều nguyên sơ. Thiên nhiên trên đảo mang đến cảm giác bình yên, thư thả, vô cùng thích hợp để nghỉ ngơi, tránh khỏi sự xô bồ của thành thị. Đặc biệt, người dân ở đây rất có ý thức bảo vệ môi trường sống, các bãi biển, cầu cảng đều rất sạch và hiếm thấy rác.
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-11
Nước biển xanh trong trên đảo. Ảnh: Tiến Thành
7. Ngồi thuyền du ngoạn các hòn nhỏ ven đảo
Ra đảo Phú Quý mà không thuê một chiếc thuyền nhỏ đi dạo loanh quanh các hòn nhỏ ven đảo thì chuyến đi sẽ Phú Quý không thể xem là trọn vẹn. Đảo có một số hòn như: Hòn Tranh, hòn Đen, hòn Trứng,… Ngồi trên thuyền đi dạo qua các hòn nhỏ quanh đảo bạn mới thấy rõ được sự trong xanh của nước biển nơi đây, bởi nước trong vắt tới mức nhìn thấy cả đáy. Bạn có thể dễ dàng thuê một chiếc thuyền nhỏ ở bến cảng với giá khoảng từ 300.000 – 400.000 đồng tùy số lượng người ngồi.
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-12
Hòn Tranh nhìn từ phía vịnh Triều Dương. Ảnh: San San
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-13
Nước biển trong xanh quyến rũ. Ảnh: Tiến Thành
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-14
Đàn chim bồ câu bay trên biển. Ảnh: Khoa Trần
8. Chiêm ngưỡng bộ xương cá voi thuộc loại lớn nhất Việt Nam
Phú Quý có đến gần 30 di tích văn hóa với nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau. Tuy nhiên, nổi bật nhất là Vạn An Thạnh (thuộc thôn Triều Dương, xã Tam Thanh) xây dựng từ năm 1781 và là “bảo tàng” cá voi trên đảo. Theo truyền thuyết của người dân địa phương thì cá voi hay còn gọi là cá Ông đã từng rất nhiều lần cứu giúp ngư dân và tàu thuyền khi gặp nạn trên biển. Có nhiều ngư dân tại đây đã từng được cá Ông cứu hiện vẫn đang còn sống trên đảo, và hầu hết người dân trên đảo đều rất kính trọng cá Ông. Do vậy, khi cá Ông bị chết và dạt vào bờ biển Phú Quý thì được người dân địa phương tổ chức an táng rất long trọng, và hàng năm đều có tổ chức lễ hội Nghinh Ông. Ghé thăm nhà trưng bày cốt Ông Hải Nam tại Vạn An Thạnh bạn sẽ có cơ hội được nhìn thấy bộ xương cá voi dài gần 20m, đây cũng là một trong những bộ xương cá voi lớn nhất ở Việt Nam.
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-15
Vạn An Thạnh nhìn từ phía bên ngoài. Ảnh: San San
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-16
Bộ xương cá voi dài gần 20m tại nhà trưng bày cốt Ông Hải Nam tại Vạn An Thạnh. Ảnh: San San
9. Tham quan những “phong điện” khổng lồ
“Phong điện” là những chiếc quạt gió được xây dựng để tạo ra nguồn điện phục vụ cho người dân trên đảo. Trên đảo hiện có 3 cây quạt gió, được biết mỗi cây có chiều cao là 60m, và chiều dài của cánh quạt là 37m. Từ trên ngọn hải đăng và đỉnh núi chùa Linh Sơn bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những chiếc quạt gió khổng lồ này. Đặc biệt, đường đi ra tham quan những cây quạt gió này rất đẹp, một bên là biển, một bên là những hàng dương trồng dọc hai bên đường đi trông rất đẹp mắt.
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-17
Một chiếc “phong điện” trên đảo nhìn từ phía bờ kè Ngũ Phụng. Ảnh: Khoa Trần
10. Ngắm phong cảnh từ ngọn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam
Địa hình ở đảo khá bằng phẳng, không có nhiều núi cao nên ngọn hải đăng Phú Quý nằm trên đỉnh của ngọn núi Cấm là điểm cao nhất trên đảo. Muốn chinh phục ngọn Hải đăng, du khách phải đi bộ, leo núi với hơn 120 bậc đá men theo sườn núi, dài khoảng 200m và có nhiều đoạn trơn trượt. Tuy leo lên mệt là thế, nhưng lên đến nơi bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn xứng đáng bởi từ trên ngọn hải đăng bạn sẽ được phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh đảo từ trên cao, và nhìn thấy những tàu thuyền đánh cá chạy tấp nập trên biển. Đặc biệt, trên đường leo lên ngọn hải đăng bạn cũng sẽ bắt gặp chùa Linh Bửu, khuôn viên của chùa rất rộng rãi và thoáng mát, lại có mắc những chiếc võng để cho khách nghỉ chân.
10-ly-do-xach-ba-lo-len-du-lich-dao-phu-quy-mot-lan-ivivu-19
Phong cảnh đảo Phú Quý nhìn từ ngọn hải đăng. Ảnh: San San
Thông tin thêm về du lịch đảo Phú Quý
Đến đảo Phú Quý bằng cách nào?
Chỉ có một cách duy nhất để ra đảo là tới bến cảng thành phố Phan Thiết và ngồi tàu 6 tiếng lênh đênh trên biển để tới Phú Quý, trước đây cũng có tàu cao tốc đi ra đảo chỉ mất khoảng 3 tiếng, nhưng vì một số lý do an toàn nên tuyến tàu này đã bị ngưng hoạt động. Hiện chỉ có 2 tàu ra đảo là tàu Bình Thuận 16 và tàu Bình Thuận 18. Tuy nhiên không phải ngày nào cũng có tàu chạy ra đảo, mà tàu sẽ chạy cách ngày, do vậy du khách muốn ra thăm đảo phải liên hệ cảng để xem lịch tàu chạy. Điều đặc biệt nữa mà các bạn cần chú ý là nếu biển động và gió giật trên cấp 7 thì tàu sẽ không được phép xuất bến.
Tàu Bình Thuận 18 đi đảo Phú Quý. Ảnh: San San
Tàu Bình Thuận 18 đi đảo Phú Quý. Ảnh: San San
Ở đâu trên đảo Phú Quý ?
Trên đảo hiện chưa có khách sạn, chỉ có nhà nghỉ, nhà trọ và dạng homestay. Bạn có thể tham khảo một số nhà nghỉ như:
Nhà nghỉ Trường Huy: số 354 đường Võ Văn Kiệt, thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh. Số điện thoại (062) 3769333 – 0943 414 488 – 0963337316.
Nhà nghỉ Long Vĩ: ở Mũi Doi Thầy, thôn Đông Hải, xã Long Hải, điện thoại (062) 3509509 – 0918680344. Vị trí nhà nghỉ đẹp có chỗ cắm trại, đốt lửa trại, dạo biển, câu mực, cá tôm. Giá 150.000/phòng/đêm.
Nhà nghỉ Hoàng Phú: Cách cảng khoảng 500m, nhà nghỉ nằm trong một ngõ nhỏ yên tĩnh và chỉ cách biển khoảng 2 phút đi bộ. Đặc biệt, nhà nghỉ có một khoảng sân rộng đặt 2 bộ bàn ghế đá, nên các phòng có thể thoải mái ra ngoài trò chuyện và làm quen với nhau. Số điện thoại của nhà nghỉ Hoàng Phú là (062) 3709550 – 0168643531 – 0984711660.
Theo Traveltimes.vn
BỐ SUSU SƯU TẦM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét