Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Đến Định Quán “phượt” núi lửa 117

(iHay) Nằm bên phải quốc lộ 20 từ TP.HCM lên Đà Lạt, núi lửa 117 (thuộc huyện Định Quán, Đồng Nai, lấy tên theo cây số trên quốc lộ 20) có hình chiếc bát úp, miệng bằng phẳng, dấu tích sau nhiều lần phun trào.
 Những miệng núi lửa nằm rải rác tại Đồng Nai


Mất khoảng nửa tiếng từ đường lộ rẽ vào con đường mòn gồ ghề đến chân và leo lên miệng của ngọn 117. Phía trong lòng núi lửa giống như chiếc nón lá úp ngược.
Người dân nơi đây đã tận dụng đất đai, dù xen lẫn sỏi đá, trồng nhiều loại cây như điều, keo, xen kẽ cây ngắn ngày như rau đậu, chuối, bắp, mì… Mặc dù độ cao chỉ khoảng 200 m, nhưng cũng đủ để ta nhìn bao quát toàn cảnh huyện Định Quán nằm ngay phía dưới nếu đứng trên miệng núi.
 Núi lửa 117 nhìn từ quốc lộ 20
 Từ miệng núi lửa 117 nhìn về huyện Định Quán

Bất cứ ai đặt chân đến Định Quán đều dễ dàng nhận ra nơi này có hai loại đá độc đáo. Một là những hòn đá tảng lớn màu xám chồng chất cheo leo, rải rác trong khu dân cư cũng như ven đường lộ.
Những hòn đá này tưởng chừng có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, nhưng bao năm qua, chúng vẫn dính chặt với nhau dù dấu vết của thời gian bào mòn rõ rệt. Nhiều quần thể đá chồng này đã trở thành thắng cảnh du lịch như hệ thống đá ba chồng tại khu Núi đá, km 113.
Loại đá thứ hai có màu đen, có lỗ rỗng giống như tổ ong. Người dân tận dụng những viên đá này vào nhiều việc, như dùng làm tường rào, đầm sân nhà, làm ranh giới phân cách đất vườn, chặn quanh gốc cây trồng.
Cả hai loại đá đều được cho rằng xuất hiện do hoạt động phun trào của núi lửa hàng trăm ngàn đến hàng triệu năm qua.
 Đá chồng ngay cửa ngõ vào huyện Định Quán
 Đá tổ ong hiện diện rất nhiều trong khu vực

Theo các nhà địa chất, Đồng Nai có kết cấu địa chất bề mặt gồm phù sa cổ và đất bazan, hình thành sau những đợt phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm. Lớp đất sét và phù sa cổ có sự liên kết khác nhau tùy từng khu vực do tính chất phun trào và quá trình nguội của nham thạch từ núi lửa qua nhiều đợt.
Mạch nước ngầm, các phóng xạ, từ trường hiện diện ngay trong lòng đất của khu vực đều tác động vào việc kiến tạo cấu trúc địa hình địa chất, tạo nên hệ thống núi, đá, hang, suối, thác độc đáo tại Đồng Nai.
 Điều và đậu được trồng ở cả hai mặt trong và ngoài của núi lửa
Hệ thống núi lửa tại Định Quán là điểm đến lý thú cho dân phượt tại TP.HCM 

Bài, ảnh: Kim Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét