Khu phố cổ Hà Nội từ lâu là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách
trong và ngoài nước. Nhưng để có thể khám phá hết nét trầm mặc, cổ kính
của một đô thị cổ, ít ai có đủ thời gian và kiên nhẫn đi dạo 36 phố. Nếu
các phố Hàng là nơi bạn tìm hiểu về các nghề truyền thống, thì chỉ cần
tới Mã Mây là bạn đã có thể hình dung rõ nét về văn hóa và kiến trúc đất
kinh kỳ đầu thế kỷ 20.
Mã Mây trước đây còn có tên gọi Quân Cờ Đen. Ảnh: wiki
|
Nói đến phố cổ là nói đến những nếp nhà ngói đỏ lô nhô, liền kề san
sát. Trong khi đó, Mã Mây sở hữu tới gần 10% số nhà cổ ở đây, và được
coi là phố cổ thu nhỏ ngay trong lòng Hà Nội. Mã Mây là tên ghép của hai
tuyến phố xưa kia là Hàng Mây và Hàng Mã (khác với phố Hàng Mã gần chợ
Đồng Xuân). Thế nên, người ta thường gọi Mã Mây là phố của hai phố.
Ngày nay, phố Mã Mây bắt đầu từ Hàng Buồm đến Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.
Không giống nhiều con đường thẳng tắp trên phố cổ, Mã Mây uốn lượn theo
các nếp nhà tạo nên con đường có dáng vẻ rất riêng. Nếu bắt đầu đi bộ
từ đầu phố, dọc một dãy từ số 19 đến 33 từng là nhà tù của Hà Nội do
người Pháp lập ra những năm đầu thế kỷ 20. Đến nay đầu phố chỉ còn những
quán hàng tấp nập, chủ yếu phục vụ khách du lịch phương Tây.
Nếu là người yêu thích ẩm thực, bạn có thể dừng lại ở ngôi nhà số 25
của nghệ nhân Ánh Tuyết, để được dạy nấu các món ăn Hà Nội và tìm hiểu
về ẩm thực Việt Nam. Điều này khiến không ít các du khách nước ngoài
hứng thú, say mê. Nơi đây còn là điểm tham quan hấp dẫn khi ngôi nhà
đuợc xây dựng hoàn toàn từ gỗ, tạo nên không gian ấm áp, gần gũi, giản
dị mà tinh tế, mang đậm nét cổ kính, quyến rũ của một căn nhà phố thị
thời xưa.
Điểm dừng chân tiếp theo là đền Mã Mây ở số 64. Đền thờ Nguyễn Trung
Ngạn, người làm quan dưới 5 triều vua Trần, từng giữ chức Đại doãn kinh
sư, đứng đầu kinh thành Thăng Long. Tại ngôi đền còn giữ được 6 đạo
phong thần của ba vương triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn cùng với 7 tấm bia
đá. Nội dung của các bài văn bia là một kho sử liệu phong phú với những
tên người, tên đất, những sự kiện cụ thể của các danh nhân địa phương.
Số nhà 25 Mã Mây, địa chỉ ẩm thực được nhiều du khách quốc tế tìm đến. Ảnh: Kha Di. |
Đáng chú ý nhất trên phố Mã Mây là ngôi nhà cổ số 87. Được xây dựng từ
những năm đầu thế kỷ 19, trải bao biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng ngôi
nhà vẫn giữ được nguyên lối kiến trúc cổ kính, mộc mạc, tựa như những
nét vẽ hay gặp trong tranh “phố Phái”.
Mang kiến trúc đặc trưng truyền thống ở khu phố cổ Hà Nội, ngôi nhà
được thiết kế với dạng hình ống, mái lợp ngói ta, nhà hẹp chiều ngang,
có nhiều lớp sân trong ngăn cách. Ngoài cùng là cửa hàng, tiếp đến là
một sân nhỏ với giếng trời, giúp lấy ánh sáng tự nhiên và nước mưa sinh
hoạt. Kế đến là gian nhà hậu làm kho, sân trong cùng làm bếp và khu phụ
với không gian mở thoáng khí.
Chiếc cầu thang cổ đã nhuốm màu thời gian sẽ đưa du khách lên tới tầng
2, nơi diễn ra mọi sinh hoạt riêng của gia đình Hà Nội. Phòng thờ, phòng
tiếp khách, phòng ngủ được thiết kế nối tiếp nhau từ ngoài vào sâu bên
trong. Trong nhà, các phòng không có tường mà mở thông ra phố bằng những
cửa gỗ lớn. Ngoài ra, còn có không gian riêng để trồng cây cảnh.
Số nhà 87 Mã Mây giống như trung tâm văn hóa của khu phố cổ. Ảnh: dayhocintel |
Vật dụng trong nhà chủ yếu là đồ gỗ và mây tre đan truyền thống như mâm
gỗ, gáo dừa… cùng những chum, vại, võng… làm tôn thêm vẻ đẹp cổ kính
của ngôi nhà, đồng thời khiến du khách như được quay lại quá khứ xa xưa.
Không chỉ bày bán nhiều mặt hàng thủ công truyền thống như đồ nạm bạc,
tranh giấy gió, tranh sơn mài, tranh Đông Hồ và các nhạc cụ dân tộc của
làng nghề Đào Xá, du khách đến đây còn được nghe hát ca trù vào một số
buổi tối trong tuần.
Vy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét