Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Những cánh đồng trắng xóa mùa nước nổi

Vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, nước từ thượng nguồn sông Mekong thường đổ về đồng bằng sông Cửu Long tạo thành những cánh đồng trắng xóa.
Có 2 vùng ngập sâu nhất là Tứ Giác Long Xuyên (với 4 góc: Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá) và Đồng Tháp Mười (thuộc 3 tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) mà nhìn xa người ta dễ liên tưởng đó là biển cả. Nước đến chậm, ở lại lâu, lại không quá hung dữ, nên người dân địa phương gọi đó là  “Mùa nước nổi”.
Du khách tham quan mùa nước nổi ở Tràm Chim Tam Nông. Ảnh: Phan Huê
Khi nước tràn về, tôm cá từ Biển Hồ (Campuchia) và từ thượng nguồn của sông Mekong dài 4.500 km theo dòng nước chảy đổ về miền xuôi. Đồng thời tôm, cá trong các ruộng lúa, đầm lầy của vùng đồng bằng cũng nhân dịp này sinh sôi nảy nở và lớn nhanh không ngừng. Chính vì vậy trên những cánh đồng vốn trước đây là ruộng lúa, nay là nơi tung tăng của hàng đàn cá linh, cá lóc, cá rô, tôm, tép và các loại thủy sản nước ngọt khác. Đây là cơ hội cho nhà nông chèo xuồng giăng lưới, thả lờ, thả lợp, đánh trúm để thu hoạch “của trời cho”. Công việc chủ yếu trong mùa nước nổi là bắt cá:
“Em hỏi anh hôm nay đi đâu
Anh nói rằng anh đi giăng câu”
Cá nhiều đến mức “ăn hoài cũng ngán” như lời một cán bộ Tràm Chim Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) nói với đoàn khách du lịch từ Hà Nội đến tham quan đầu tháng 11. Cũng do nước về tràn bờ, nên chuột phải tìm các gò đất cao để ở, làm cho việc săn bắt “gà đồng” (cách gọi chuột sống ở ruộng lúa của nhà nông Nam Bộ) rất dễ dàng. Các loại rắn không quen sống dưới nước phải theo chuột tìm các bờ cao hay bụi cây, nên việc “thu hoạch” rắn cũng trở nên đơn giản.
Mùa nước nổi còn là mùa của lúa trời, tức “lúa ma” và các loại rau thủy sinh như rau nhúc, lục bình, rau dừa… Thậm chí bông (hoa) điên điển, một loại rau không thể thiếu trong các nồi lẩu cá đồng, chỉ nở vào trong những ngày này.
Du khách tham quan mùa nước nổi trên những chiếc vỏ lãi (thuyền gỗ dài). Ảnh: Vietcircle
Nếu du khách chọn một nơi vừa có cảnh núi, vừa có cánh đồng nước nổi, thì về An Giang. Ngã ba Vàm Nao (gần Châu Đốc) hay rừng Tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên) của tỉnh này, là những điểm tham quan trải nghiệm đánh cá bằng chài, lưới, xem chim trong khu bảo tồn và chụp hình 7 ngọn núi cao giữa đồng nước mênh mông.
Đến vùng Mộc Hóa của tỉnh Long An, có thể xem những cánh đồng sen bất tận. Trong đó khu du lịch Tân Lập rộng 130 ha và Trung tâm dược liệu Đồng Tháp Mười là một trong những điểm chèo xuồng, câu cá, hái hoa sen rất thú vị.
Nhưng nếu chọn “trung tâm” của mùa nước nổi, phải đến Đồng Tháp. Đây chính là nơi vừa có khu di tích Xẻo Quýt được bảo tồn nguyên vẹn như một cánh rừng tràm cổ thụ của Đồng Tháp Mười xưa với cá tôm dưới nước, chim chóc trên cây hay Tràm Chim Tam Nông, cái rốn của cá nước ngọt, với rất nhiều loài chim ăn cá chọn nơi đây làm nơi sinh sản.
Những cánh đồng trắng xóa mùa nước nổi. Ảnh: Phan Huê
Các cánh đồng của tỉnh này hầu như ngập trắng trong tháng 11, xa xa lại nổi lên một xóm “nhà đá, nhà đạp” làm trên cọc trông rất “bụi”, nhưng lại rất đặc trưng cho cảnh “sống chung với lũ” lâu nay của bà con vùng ngập nước.
Ngày xưa khi nước về chỉ thấy nhà nông đi xuồng ra đồng, nhưng bây giờ ngày càng có nhiều đoàn khách du lịch cũng “ra đồng” trên những chiếc vỏ lãi (thuyền làm bằng gỗ) đơn sơ. Trong số đó có nhiều người đến từ Hà Nội với ánh mắt lạ lẫm về một vùng đất có nước ngập trắng đồng, nhưng lại không coi đó là lũ.
Phan Huê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét