Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Mù Cang Chải quyến rũ mùa nước đổ

Khi những cơn mưa rào đầu tiên của mùa hạ sầm sập đổ và nắng chưa kịp gay gắt là lúc những thửa ruộng bậc thang lấp lánh trong sắc màu tuyệt đẹp.
Người dân tộc vùng cao Yên Bái làm ruộng trên những sườn núi cao. Qua xuân, người ta phải chờ đến khi trời mưa xuống, khi những thửa ruộng bậc thang ngập nước ( gọi là mùa nước đổ), mới bắt tay vào cấy vụ lúa duy nhất trong năm. Người Thái lập bản dưới vùng thấp, trồng nếp nương trong thung lũng Tú Lệ. Còn người Mông giỏi trèo đèo vượt núi, họ đã biến những sườn núi non hiểm trở thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Những đôi bàn tay tài hoa, cần mẫn của người Dao, người Mông, người Hà Nhì, người Giáy, người Tày, người Xa Phó, người Nùng, người Pa Dí… đời này nối tiếp đời kia kiến tạo nên những kiệt tác.
28506-1496439934887-4631721-n.jpg
Những thửa ruộng loang loáng nước dưới ánh nắng mặt trời. Ảnh: Vũ Long.

Đường lên xứ Mù duy nhất một con đường quốc lộ 32. Từ Hà Nội vượt qua đèo Khế để sang đất Yên Bái rồi từ đó, cứ theo con đường này qua Nghĩa Lộ mà thẳng đến với Mù Cang Chải. Trước khi đến với những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, hãy dừng chân lại với Tú Lệ, thưởng thức xôi nếp nương với gà đồi thơm phức, trước khi vượt con đèo Khau Phạ ngoằn nghoèo gần 20 km để đến với xứ Mù.
Sáng khi sương sớm còn bảng lảng trong vùng thung, người Mông đã đeo gùi, vác cuốc, dắt trâu, chở theo những gùi thóc giống lên nương. Khi ánh mặt trời đầu tiên le lói tỏa sáng, những đôi chân trần đã theo sau lưng trâu đi cày. Mặt nước lóng lánh phản chiếu màu trời xanh thẳm, những thửa ruộng nâu sẫm, bóng vợ chồng cô gái Mông mặc áo hoa đung đưa, chồng trước, vợ sau lưng trâu, tầng tầng dốc những thửa ruộng được vuốt nước lóng lánh. Một chiếc lán đơn sơ được dựng bên thửa ruộng khô. Trong lán, để dăm ba thứ lặt vặt, bình nước đã vơi, bữa cơm đạm bạc gói trong lá chuối và một cậu bé mới vài tháng tuổi đang say ngủ.
Ruộng bậc thang tại ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình huyện Mù Căng Chải, Yên Bái được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia vào ngày 18/10/2007, một danh thắng có lẽ là đặc biệt và độc đáo vào bậc nhất của Việt Nam. Trong vòng bán kính trải rộng 20 km, các thửa ruộng được xếp đặt giữa hai bên lưng chừng núi, thấp dần xuống tận dòng sông biếc xanh phía dưới.
28506-1496440134892-5958049-n.jpg
Đắp bờ, vuốt lại các tầng bậc thang. Ảnh: Vũ Long.
Vùng đất này đẹp nhất trong năm vào hai dịp vào dịp tháng 5 - 6, khi những thửa ruộng vào mùa đổ nước và tháng 9 - 10 khi một màu vàng trải dài khắp các thửa ruộng màu mỡ. Đây cũng là hai thời điểm Yên Bái, Sapa và Y Tí – Bát Xát trên mảnh đất Tây Bắc đón đông đảo lữ khách tham quan ghé thăm và cả những nhiếp ảnh gia say mê săn cho được những tấm ảnh đẹp.
Ngày mùa rộn rã, những cô gái váy áo xúng xính xuống đồng, mừng vui cho một mùa cầy cấy mới. Từ khắp các bản làng xa xôi, nhà nhà đều đổ xuống đồng. Mỗi người một tay, đắp đập, ke bờ, rẫy cỏ dại, cầy xới những mảnh đất màu mỡ, sửa sang lại hệ thống tưới tiêu, rộn rã tiếng nói tiếng cười, tiếng í ới gọi nhau, tiếng lũ trẻ hò reo, nô nức xuống đồng, cấy lúa.
Màu của nước, của trời xanh, của đất đỏ óng ánh dưới nắng mặt trời rực rỡ. Mùa nước đổ mang một vẻ đẹp riêng. Có nước, những người Mông chăm chỉ sửa lại những tầng ruộng bậc thang, vuốt lại những đường nứt, thông các đường nước xuống từng bậc ruông, để rồi vài tháng tới, khi mùa thu sang, khắp những thửa ruộng này lại tuyệt đẹp một màu vàng óng ả.
28506-1496439894886-7987649-n_1393389221
Mùa lúa mới. Ảnh: Vũ Long.
Lam Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét