"Tháng tư về, gió hát mùa hè..." cũng là lúc các vườn hoa loa kèn ở làng hoa Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) bước vào vụ thu hoạch. Người nông dân gọi đó là mùa "ăn" kèn.
Vườn hoa hơn 2 sào của chị Phan Thị Mai (thôn 2, Tây Tựu) cho thu hoạch từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 là hết. Đầu tiên, chị cắt ít một, gọi là cắt chiếng, vài ngày sau cắt sô thì nhiều hơn, độ 1.000 bông mỗi buổi.
Những củ loa kèn vẫn để vùi trong đất, chờ đến tháng 9 bắt đầu vụ kế tiếp. Người nông dân tiếp tục trồng cúc xen kẽ trên chính mảnh ruộng đó. Hoa loa kèn ưa đất mới, càng trồng đất mới thì cho bông to, cây vươn cao. Nhiều hộ nông dân ở Tây Tựu đi thuê đất tận Hạ Mỗ (Đan Phượng) để trồng loa kèn và ly, cho thu nhập cao hơn.
Hoa loa kèn kỵ thời tiết mưa nhiều, sương giá. Những ngày thời tiết khắc nghiệt vừa qua khiến nhiều cây bị cháy nụ, cháy lá. Mỗi bông loa kèn ngắt vứt đi, người trồng hoa mất từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng.
Thân cây rất giòn nên người trồng dùng tay để bẻ chứ không phải dùng kéo cắt như hoa cúc, hoa hồng.
Anh Nguyễn Tự Lưu, chủ vườn, cho biết mỗi vụ thu hoạch xong, trừ chi phí cũng còn được 20 đến 30 triệu đồng.
Những bông loa kèn được mang đến chợ hoa Quảng Bá bán buôn với giá 200.000 đồng một bó 100 bông.
Mỗi cây cho từ 2 đến 5 bông.
Sau vài ngày, hoa sẽ nở bung, khoe những cánh hoa trắng muốt. Người ta gọi loa kèn là thứ hoa gọi kỷ niệm về.
Những đóa loa kèn lai thường có bông to, thân cây mập mạp và lá cũng lớn hơn nhưng không thơm bằng hoa loa kèn ta. Hoa loa kèn lai thường nở muộn hơn kèn ta khoảng nửa tháng.
Loài hoa trắng giản dị ít được bày bán trong các cửa hàng hoa mà thường theo chân những người bán rong đi khắp phố phường Hà Nội. Giữa những loài hoa rực rỡ sắc màu, loa kèn tinh khôi, e ấp nhưng đầy sức sống, tựa như thiếu nữ.
Đã thành thói quen đẹp, cứ tới tháng tư, trong rất nhiều gia đình, công sở ở Hà Nội lại có bình hoa loa kèn thơm dịu dàng.
Phương Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét