Men theo những con đường trải đầy núi đá và cây dây leo um tùm, người
dẫn đường vung dao sắc bén mở lối cho thành viên trong đoàn.
Du khách sẽ phải trèo qua những khe đá, vách đá to, bên dưới là hang
sâu, tối, ẩm thấp. Không ai biết bên dưới đó có gì, và cũng không ai kể
cho nhau nghe về những câu chuyện ma quái, kỳ bí nơi Ma Thiên Lãnh.
Người chinh phục đơn giản là làm công việc chinh phục.
Có những đoạn đường thông thoáng, nhưng cũng có những khúc cây cối um
tùm, đan xen vào nhau chằng chịt, bạn không còn cách nào khác ngoài tự
phát đường để đi. Ở Ma Thiên Lãnh không có đường mòn.
Người dẫn đường phải tự định vị phương hướng, một phần dựa vào kinh
nghiệm, thói quen. Một phần dựa vào những ký hiệu mà người đi trước để
lại trên những thân cây. Ở Ma Thiên Lãnh, không khó để bắt gặp một thân
cây đầy vết dấu.
Đá tảng xếp cạnh nhau, chồng lên nhau tạo thành đường đi và cũng tạo
thành những hang động sâu tới vài mét. Người dân bản địa nói rằng những
hang động này là nơi ưa thích của loài "rắn khè". Người dẫn đường luôn
mang trong tay con dao đi rừng, vừa để mở lối đi, vừa làm dấu ra hiệu
cho các loài bò sát biết đường tránh.
Còn những người khám phá sẽ rất thích thú khi ngang đường gặp một nhánh
lan rừng. Những bông lan trắng, hồng, tim tím xuất hiện nhiều trên
đường đi. Thảm thực vật ở đây khá đa dạng, đựa chia theo từng độ cao
khác nhau.
Lên đến lưng chừng núi, hiếm hoi mới gặp một đoạn quang cảnh thoáng đãng, đứng ở đây có thể phóng tầm mắt thật xa.
Đoạn đường tuy không dài như chinh phục đỉnh Fansipan, nhưng để leo lên
đến đỉnh núi Bà Đen, cao 986 mét, theo cung đường Ma Thiên Lãnh cũng
không hề dễ dàng. Phải mất từ 6 đến 8 giờ đồng hồ: nhảy, bám, leo trèo,
luồn, lách… mới tới được tảng đá, nơi những nhóm khám phá trước đề tên
"Đích đến".
Thành quả của cả hành trình là được ngắm bình minh trên đỉnh núi cao
nhất Đông Nam Bộ và đây sẽ là trải nghiệm khó quên với bất kỳ ai.
Trần Việt Anh
Theo vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét