Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Cập nhật thông tin du lịch bụi Cổ Thạch

Cổ Thạch là khu du lịch tâm linh và nghỉ mát có nhiều nét độc đáo, cách trung tâm huyện Tuy Phong, Bình Thuận khoảng 10 km. 
< Đá ở Cổ Thạch.
Nơi đây nổi tiếng với ngôi chùa Hang cổ, gần đó là bãi biển thiên nhiên hoang dã với bãi đá bảy màu tuyệt đẹp.



Khoảng mươi năm trước, khách đến Cổ Thạch đa phần chỉ là những người hành hương với mục đích lễ Phật tại ngôi chùa cổ mang tên chùa Hang hay chùa Cổ Thạch. Thuở ấy, hai dãy phòng trọ bình dân dành cho khách đã xuất hiện ở hai bên đường lên chùa - những phòng thật thô sơ với bệ ngủ bằng xi măng trải chiếu, trang bị chỉ có ngọn đèn và quạt...

< Chùa Cổ Thạch.

Từ khi địa phương quy hoạch lại thành khu du lịch thì đường vào được mở rộng, ngã 3 đường đã thoáng mát sạch sẽ và trở thành công viên. Các khách sạn, nhà nghỉ... mọc lên như nấm ở hai bên con đường lớn dẫn vào KDL khiến bạn có thể an tâm không lo thiếu chỗ nghỉ dù ngay trong mùa cao điểm hè.

Những điểm tham quan khi bạn đến vùng đất này có thể kể như:
- Ghềnh Son (Gành Son): vách núi nhũ đỏ sát biển, tuyệt đẹp ở phường Chí Công.

< Từ trên chùa nhìn về hướng mũi Lá Gan.

- Lăng Ông Nam Hải (nơi thờ cá Ông) kề cận cồn cát.
- Đồi Cát Cổ Thạch: không hùng vĩ như đồi cát bay Mũi Né nhưng vẫn là một địa điểm đẹp, nếu may mắn: bạn sẽ nhìn thấy cá voi.
- Chùa Hang (Chùa Cổ Thạch hay Cổ Thạch Tự): ngôi chùa cổ nằm trên ngọn núi thấp tầm 60m. Chùa do Thiền sư Bảo Tạng thuộc đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế xây dựng từ năm 1835. Đây cũng là một di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Bình Thuận.

- Bãi tắm Cổ Thạch.
- Bãi đá bảy màu.
- Tắm bùn Vĩnh Hảo (phải chạy ra Cà Ná).

Cổ Thạch cách Phan Thiết tầm 100km, cách Tp.HCM gần 300km. Bạn có thể đến đây bằng nhiều cách:

- Nếu bạn đi xe khách: hãy đón xe đi Tuy Phong (có chuyến hàng ngày) tại bến xe miền Đông - 292 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08) 899 4056; (08) 898 4441; (08) 898 4442; (08) 898 4893
Theo dõi các tuyến xe tại: http://www.benxemiendong.com.vn
Xe thường dừng ở bến xe Liên Hương, từ đó bạn có thể bắt xe ôm đi vào khu du lịch Cổ Thạch. Nếu đi đông, có thể đề nghị bác tài xe khách chạy vào trong khu du lịch Cổ Thạch luôn (sẽ phải trả thêm phí).

< Bãi đá 7 màu.

- Nếu bạn đi xe gắn máy: Hãy rời TPHCM rồi theo QL1 chạy mãi tới ngã 4 Liên Hương (Tuy Phong) thì quẹo phải, chạy thêm khoảng hơn 3km là đến Cổ Thạch (Trên đường có nhiều bảng hướng dẫn).
+ Một nhánh đẹp khác cũng dẫn đến Cổ Thạch khi bạn vượt thị trấn Phan Rí Cửa - chạy thêm 4.5km nữa sẽ gặp ngã 3 Chí Công: rẽ phải vào khu vực ruộng muối - nuôi trồng thủy sản của làng biển Chí Công, ghé tham quan Gành Son rồi chạy theo con đường ven biển vượt Gành Rái, qua Trại Lưới sẽ đến đồi Cát Cổ Thạch. Nghỉ chân, tham quan Đình Cá Ông cạnh đó rồi theo con đường dốc nhỏ (đường dốc nhưng xe 2 bánh chạy tốt) chạy thẳng vào KDL Cổ Thạch luôn (hướng này thì bạn không phải mua vé).

< Một trong rất nhiều nhà nghỉ tại Cổ Thạch.

Đến Cổ Thạch rồi thì việc ưu tiên là tìm chỗ trọ, khách sạn nhà nghỉ không thiếu đâu nhưng cái quan trọng là giá tiền có tương xứng với phòng bạn chọn hay không thôi.

- Khách sạn, nhà nghỉ rất nhiều ven 2 bên đường trung tâm vào KDL (đây chính là đường Võ Thị Sáu nối dài). Giá nơi đây thường thay đổi theo ngày thường hay ngày cuối tuần - lễ. Dĩ nhiên là ngày thường sẽ rẻ hơn, bạn đừng ngại trả giá nhé.
- Phòng trọ đầy ken ở khu vực bãi biển, ngay khu chợ. Chốn này khá bát nháo nhưng thích hợp cho nhóm bạn thích đông vui, thích ăn uống hay thích 'ra cửa là gặp biển'. Phòng trọ tại đây nhỏ, tiện nghi không bằng dãy khách sạn phía trên đâu nhưng giá sẽ cao hơn, khó trả giá.

< Bãi tắm Cổ Thạch nhìn về phía bãi đá 7 màu và mũi Lá Gan. Nếu thẳng tiến, bạn sẽ đến đồi cát.

- Phòng trọ rẻ hơn nằm trên đoạn đường nhánh dẫn ra đồi cát. Những dãy phòng tại đây giá mềm và có lối mòn thông ra biển. Tuy nhiên, trang bị thì rất bình dân - xem như chỉ là chỗ để hành lý, WC và nghỉ qua đêm.
- Khu du lịch làng Cổ Thạch: nơi này thì ổn rồi, phòng tốt - có bãi biển riêng - có không gian yên tĩnh, an ninh. Có luôn nhà hàng phục vụ các bữa ăn sáng, trưa, tối. Phòng ở đây có nhiều loại như phòng đôi, phòng ba, phòng 6... và cả phòng tập thể đông người. Bạn cũng có thể thuê lều để lưu trú, cắm trại tại đây.

Liên hệ:
Khu du lịch làng Cổ Thạch:
0623856015
Văn phòng taị Tp.HCM: 33 Nguyễn Hiền, P4, Q.3, Tp.HCM
Điện thoại: 08.38357963
Email: langdulichcothach@yahoo.com

< Đồi cát, phía dưới có đình thờ cá Ông.

Mẹo nhỏ

- Khu vực trung tâm bãi biển Cổ Thạch có thể không được sạch do đông người, những nhà trọ xả thẳng nước xuống đây. Vì vậy nếu muốn tắm sạch thì bạn hãy đi bộ tầm trăm mét trên bãi, phía hướng về bãi đá 7 màu: vắng người, không nhà trọ phía trên nên biển sạch hơn.
Riêng khu vực bãi biển của Khu du lịch làng Cổ Thạch thì tuyệt, bạn có thể rảo bước về hướng Bắc để thưởng lãm những đoạn biển hoang sơ.

< Rất nhiều thứ hải sản tại đây. Nhóm đông muốn ăn rẻ hơn thì phải ra chợ Liên Hương.

- Ăn uống tại đây nhiều vô số, các đặc sản biển như mực, sò điệp, sò dương, ghẹ... và người ta sẽ chế biến ngay tại chỗ. Giá không rẻ nhưng cũng không mắc - Phòng xa thì bạn hãy hỏi giá trước. Giá rẻ hơn nếu bạn mua kg hay ăn uống ngoài chợ Liên Hương.

- Lang thang ven bờ biển về hướng Bắc (hướng Liên Hương) cũng là một cái thú: bạn sẽ qua nhiều đồi cát điểm các cây bụi, những tảng đá nhiều hình thù kỳ lạ. Quan cảnh rộng lớn nhưng vắng bóng người. Từ bãi đá 7 màu đi về phía Nam cũng vậy: bạn sẽ qua các đồi cây bụi, vượt mũi Lá Gan... và cuối cùng gặp đồi cát Cổ Thạch và Lăng Ông Nam Hải nằm kề cận. Từ đỉnh đồi cát, nếu may mắn thì bạn sẽ được thấy cá voi đang trồi lặn ngoài kia, thi thoảng lại phun lên làn bụi nước trắng xóa.

- Vào chùa Cổ Thạch đốt hương khấn vái nên vào chính điện, các nhánh rẽ nhỏ khá nhiều trong khuôn viên chùa dẫn vào các hang tượng Phật dưới thấp, trên mỏm đá cao..., nơi nào cũng lốc cốc tiếng mỏ cúng chùa. Bạn không cúng thì người gõ mõ sẽ tỏ thái độ với bạn đấy.

- Ở khu vực nhà nghỉ, KS phía trên đường lớn: nếu bạn mang theo xe máy thì chủ sẽ đề nghị bạn dẫn xe vào hành lang KS vào buổi tối. Cổ Thạch khá bát nháo, tuy nhiên về an ninh trật tự vẫn khá tốt nên đây chỉ là việc phòng ngừa. Một hai giờ sáng, bạn vẫn có thể rảo bước trên bờ biển dạt dào tiếng sóng.

- Nếu có thể, nên yêu cầu KS thay trải giường, áo gối, mền...  khi nhận phòng vì họ... không có thói quen này.

< Nhìn lên đồi cát Cổ Thạch.

- Từ trên khu đường lớn: xe ôm thường chào mời khi bạn muốn xuống bãi biển. Giá không mắc nhưng đoạn đường không xa, lại đông vui - tốt nhất bạn nên đi bộ để tăng thêm sự vận động, tốt cho các ngày nghỉ.

- Bánh mì + chả cá là món phổ thông để điểm tâm vào sáng sớm: rẻ, ngon nếu người bán nướng sơ lại bánh trước khi bỏ chả vào. Từ 15h trở đi thì khu vực này sẽ có vô số hàng quán với rất nhiều các món ăn uống, đặc sản - Cháo cá hay cháo trứng muối là món lót dạ đêm cho người không khỏe về vấn đề đường ruột. Còn những món ăn chơi thì vô số kể. Có thể nói: đi Cổ Thạch nếu túi tiền rủng rỉnh thì không lo đói!

- Có những nhóm đông hay cả gia đình đến Cổ Thạch chỉ thuê một phòng nhỏ, chủ yếu để đồ, WC, và dành chỗ đó cho người già hay phụ nữ. Thanh niên thì thuê chiếu nằm ngoài (mỗi chiếu nằm được vài người, giá bèo) - Người ta cho rằng chơi nhiều chứ ngủ không bao nhiêu.

- Nhóm bạn muốn tiết kiệm nhưng an ninh, không ồn ào thì qua Khu Du lịch Cổ Thạch thuê lều cắm trại. Trên đoạn đường nhánh dẫn ra đồi cát cũng có một vài chỗ cho thuê lều, rẻ hơn nhưng chỉnh chu dĩ nhiên không bằng bên KDL.

Bản đồ du lịch Cổ Thạch: bạn 'Open new tab' để xem kích thước lớn hơn.

- Đội quân 'xe ôm' lúc nào cũng sẳn sàng chở bạn ra đồi cát nếu bạn không thích đi bộ (đi bộ thì theo lối tắt ven biển), giá khoảng 40k lượt đi/về - trả tiền khi về nơi nghỉ.

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
(Bố susu sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét