Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Rợp trời cò trắng trên đảo Chi Lăng Nam

(iHay) Hãy cùng trở về tuổi thơ với những thân cò cánh trắng trong ánh chiều vàng và tận hưởng bức tranh thiên nhiên say lòng người ở đảo cò Chi Lăng Nam. 
Cò đậu trắng xóa trên cành cây như điểm những bông hoa giữa trời chiều
Cánh cò bay lả bay la vốn là hình ảnh đặc trưng của vùng nông thôn Bắc bộ. Đôi chân gầy và màu cánh trắng tinh khôi đã đi vào hồi ức ngày thơ bé của biết bao thế hệ, vào cả giấc mơ với bầu trời rợp cánh cò bay.
Nhưng có lẽ, chỉ duy nhất đến đảo cò Chi Lăng Nam (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, Hải Dương), chúng ta mới có thể chứng kiến những cảnh tượng ngoạn mục đến như vậy. Từng đàn cò trắng hàng nghìn con gọi nhau về tổ mỗi buổi chiều tà, tiếng kêu ríu rít vang vọng trên mặt hồ An Dương tĩnh lặng.
 Rợp trời cò trắng Chi Lăng Nam 2
Đảo cò thực chất là ba dải đất cao nằm giữa lòng hồ An Dương 

 
Chiều đến cũng là lúc cò về tổ, từ 17 giờ đến khi mặt trời lặn là lúc cò về nhiều nhất

“Ngắm nghía” để lựa được chỗ đậu yêu thích nhất

Chỗ đậu cũng có sự phân tầng rõ rệt. Cò đen đậu trên cao, cò hương yếu hơn đậu dưới thấp
Sự tích về sự ra đời của đảo cò - “hòn đảo” độc đáo nằm giữa vùng đồng bằng này vẫn được người dân sống quanh hồ truyền tai nhau. Vùng hồ An Dương xưa vốn là cánh đồng chiêm trũng, ở giữa có một gò đất cao nổi lên.
Trận đại hồng thủy trong thế kỉ XV đã làm vỡ đê sông Luộc, nước đọng tạo thành hồ, gò đất cao trở thành đảo nhỏ. Rồi không biết từ đâu cò vạc bay đến ngày một nhiều, dân làng dần sống dạt ra phía ngoài hồ, biến nơi đây thành ngôi nhà chung của loài chim thân thuộc này.
Theo thời gian, đảo cò ngày nay đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan. Với diện tích trên 3.000m2, hệ sinh thái động thực vật nơi đây vô cùng phong phú với hơn 170 loài, trong đó có khoảng 16.000 con cò, hơn 5.000 con vạc.
Những cây cối trụi lá là do cò đậu quá nhiều
Khung cảnh cổ kính gợi nhớ về những mái chùa đặc trưng của nông thôn Bắc bộ
Tiếng kêu trong chiều muộn gợi cho ta nhớ về tuổi thơ yên bình

Trầm ngâm như những nhà hiền triết


Tựa như một bức tranh thủy mặc
Không chỉ có chín loại cò trắng, cò hương, cò lửa, cò nghênh, cò ngang, cò ruồi, cò diệc, cò bợ, cò đen, ba loại vạc xám, vạc xanh, vạc đen, đảo còn là nơi sinh sống của nhiều loài chim như diệc xám, bói cá, cuốc, cú mèo... cùng nhiều loài cá khác.
Ngoài cò, nơi đây còn là nơi cư trú của rất nhiều loài chim đa dạng khác
Cũng có khi nhiều cuộc “cãi vã” lại nổ ra
Tôi gặp may mắn khi đến thăm đảo cò Chi Lăng Nam đúng vào dịp tháng 9, khi gió heo may thổi về và cũng là lúc cò vạc từ nhiều nơi khác đổ về cư trú tại đây cho đến tận tháng 4 năm sau.
Lênh đênh giữa mặt hồ trong ánh nắng hoàng hôn, tôi như lạc vào một không gian vừa hoang dã lại vừa nên thơ. Màu xanh của cây cối, của mặt nước cùng hơi gió thu mát rượi cho ta cảm giác như được hòa làm một với thiên nhiên trong lành.
Ngoài thuyền có người chèo, du khách cũng có thể lựa chọn xe đạp nước để tự mình khám phá đảo cò thú vị
Hành trình khám phá cuộc sống sinh động của đảo cò là một hành trình đầy ngạc nhiên và thú vị. Cò, vạc, chim chóc với đủ hình dáng và kích cỡ khác nhau cùng hoạt động nhộn nhịp và ồn ã.
Từng đàn, từng đàn bay về từ phía mặt trời, chao lượn trên không trung, tranh nhau chỗ đậu trên những ngọn tre xanh và bình thản rỉa lông cánh. Lúc này, khi cò trắng trở về nghỉ ngơi, sửa sang lại tổ thì những chú vạc nâu mới bắt đầu ngày kiếm ăn, lặng lẽ lặn lội nơi những ven cây, bụi cỏ cho tới tận đêm khuya.
Ngọn tre không chỉ là chỗ đậu mà còn là nơi làm tổ lý tưởng
Cò lửa trong ánh nắng hoàng hôn
“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay...”

Hoàng hôn tắt dần, những cánh cò cuối cùng đang trở về nhà
Trở về bến thuyền, đừng quên ghé thăm quán nổi ven hồ, thưởng thức những món ăn hấp dẫn chế biến từ những loài cá đánh bắt ngay trong hồ, kết thúc một ngày tham quan thật đáng nhớ.
Di chuyển: Đảo cò Chi Lăng Nam cách Hà Nội khoảng 70km. Từ TP Hải Dương du khách có thể di chuyển dọc theo quốc lộ 39B tới thị trấn Thanh Miện, thêm 10km để đến xã Chi Lăng Nam.
Thời gian: Hai thời điểm vàng để tham quan đảo cò là bình minh và hoàng hôn, khi những loài chim nước hoạt động nhiều nhất.
Phương tiện: Bạn có thể lựa chọn thuyền có người chèo cho cả nhóm hoặc thuyền thiên nga (xe đạp nước) dành cho hai người.
Phượt ký của Trường Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét