A Pa Chải là ngã ba biên giới Việt Nam,
Lào và Trung Quốc, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Đây là nơi được mệnh danh “một con gà gáy cả ba nước đều nghe”, nằm trên
đỉnh Khoang La San, cách Hà Nội hơn 750 km.
Từ thành phố Điện Biên Phủ có nhiều cách để lên A Pa Chải. Cung đường
được nhiều người lựa chọn nhất là đi qua Mường Chà - Mường Nhé - Chung
Chải - Đồn biên phòng 405 Leng Su Sìn - Tả Kho Khừ - Đồn Biên Phòng 317 A
Pa Chải. Tuyến này có tổng chiều dài gần 280 km và ôtô đi thẳng.
Mất khoảng 2 tiếng làm thủ tục. Thời gian bắt đầu làm việc của Bộ chỉ huy biên phòng tại Điện Biên là 8h sáng. Ảnh: Ngọc Viễn Nguyễn. |
Từ đây để lên được ngã ba biên giới, ngoài trang bị những vật dụng và
đồ dùng cần thiết, bạn cần phải được sự đồng ý và cấp giấy phép của bộ
chỉ huy biên phòng Điện Biên. Điều thú vị khi chinh phục cực Tây Tổ quốc
là thay vì bạn phải thuê người bản địa dẫn đường như khi leo lên đỉnh
nóc nhà Đông Dương, thì sẽ được các chiến sĩ của đồn biên phòng 317 làm
hoa tiêu chỉ lối.
Theo đường chim bay từ đồn 317 đến cột mốc số 0 cao 1.864 m chỉ khoảng 5
km, nhưng bạn phải bộ hành tới hơn 15 cây số với 4 tiếng băng rừng,
vượt suối mới đến được nơi. Đây không chỉ là hành trình thử thách sức
khỏe mà còn cả ý chí của người chinh phục.
Con đường dốc ngược đầy đá sỏi khi thì xuyên qua những quả đồi cỏ tranh
mọc cao quá đầu người, sắc nhọn, lúc lại lầm lũi tiến thẳng vào khu
rừng già thăm thẳm, bạt ngàn gai rậm luôn chực chờ tấn công những kẻ lạ
ngang qua. Hiện vào đầu mùa khô nên đường lên A Pa Chải có phần dễ đi
hơn, bởi mùa mưa con đường sẽ nhanh chóng trở nên trơn trượt. Tuy nhiên
mùa này mây mù ngập lối, luôn thường trực là cảm giác âm u, ẩm ướt của
cánh rừng già. Bởi vậy, không mưa nhưng con đường nhỏ hẹp, khúc khuỷu,
gập ghềnh lên cột mốc số 0 trở thành thử thách đáng gờm của bất kỳ ai mê
chinh phục. Với độ dốc lớn, bạn phải đi thẳng một mạch chứ không thể
vừa đi vừa nghỉ, đôi khi phải nhặt cây làm gậy, bám dây leo để cố đu
lên.
Nếu không có một ý chí kiên cường và
quyết tâm chinh phuc, bạn có thể sẽ bị khuất phục trước cái lạnh của núi
rừng Tây Bắc và cái mệt đến mềm người sau nhiều giờ leo núi đường
trường. Để lấy lại sức giữa vùng đồi núi hoang sơ, không gì tốt bằng
việc uống vài ba ngụm nước suối bên đường. Vị
ngọt lịm, mát lành của dòng nước thiên nhiên trong vắt sẽ phần nào làm
dịu lại những vết cứa của cây rừng và cú ngã do con đường dốc ngược.
Cùng với đó là màu rực rỡ của nhánh lan rừng, sắc bạc mốc của cây cổ thụ
và hương thơm thoang thoảng của kỳ hoa dị thảo chốn núi rừng… tất cả
như bù đắp cho bạn vì những vất vả đã trải qua.
Con đường đá sỏi xuyên qua đồi cỏ tranh sắc nhọn. Ảnh: Ngọc Viễn Nguyễn |
Xuyên suốt hành trình không thể thiếu những câu chuyện đi đường như
không có hồi kết của chiến sĩ hoa tiêu, để rồi khi vẫn còn đang vẩn vơ
theo lời kể thì ngã ba biên giới đã ở ngay trước mắt. Niềm vui vỡ òa và
mọi mệt mỏi tan biến khi đối diện là cột mốc số 0 có 3 cạnh trên đỉnh
Khoan La San hùng vĩ.
Cột mốc được ốp đá hoa cương, ở giữa là cột hình tam giác cao 2 m có ba
mặt hướng về ba nước, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ và
quốc huy của mỗi quốc gia. Đến đây bạn sẽ chứng kiến nghi thức chào và
kiểm tra mốc số 0 của các chiến sĩ đồn biên phòng A Pa Chải.
Cột mốc số 0 mặt hướng về Việt Nam. Ảnh: Ngọc Viễn Nguyễn. |
Với mỗi bạn trẻ, mặc trên mình chiếc áo in quốc kỳ đỏ thắm, chụp hình
với cột mốc số 0 dường như là một cách thể hiện tình yêu đất nước và chủ
quyền dân tộc ở mảnh đất cực Tây. Hai tiếng Việt Nam hô vang giữa ngã
ba biên giới không chỉ để thỏa nỗi niềm mơ ước mà còn xuất phát từ lòng
tự hào dân tộc thôi thúc trong tim.
Vy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét