1. Bia ký đá chẻ Chung Mỹ
Trên đường ghé tháp Po Rome nổi tiếng ở huyện Ninh Phước, du khách có
thể dừng chân tham quan di tích bia ký cổ của người Chăm, cách thị trấn
Phước Dân 2 km về hướng nam. Đến đây, bạn sẽ được nghe kể về truyền
thuyết con rồng thiêng xuất hiện từ bia ký hóa phép cho Po Klaong Garai
từ người xấu xí trở thành chàng trai khôi ngô tuấn tú và trở thành vua
Chăm được tôn thờ đến ngày nay.
Bia ký cổ của người Chăm đã được nghiên cứu và dịch thuật. Ảnh: Putra Jatrai. |
Bia ký đá chẻ Chung Mỹ nằm trên bãi đất trống giữa đồng ruộng, gần quốc
lộ 1A, cách thị xã Phan Rang 12 km về hướng nam, thuộc làng dệt truyền
thống Chung Mỹ, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Là một bia ký được
khắc chữ Chăm cổ trên tảng đá cao lớn, nội dung ghi lại những sự kiện
xảy ra trong lịch sử vương quốc Champa cổ xưa tại vùng đất Panduranga
(Ninh Thuận - Bình Thuận ngày nay).
2. Núi Chà Bang
Núi Chà Bang thuộc địa phận xã Phước Nam, huyện Ninh Phước cách thành
phố Phan Rang 26 km về hướng đông nam. Nơi đây người Chăm thờ cúng nữ
thần Po Nai để cầu cho mưa và nước để dân làng cày cấy, trồng trọt.
Tham quan di tích vào dịp lễ tục Po Nai diễn ra sau lễ hội Rija Nagar
tháng 1 hoặc tháng 4 Chăm lịch, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những điệu
múa nhập đồng của bà bóng, khám phá di tích kiến trúc độc đáo của
Linga-Yoni Po Nai và nghe kể truyền thuyết về công chúa Po Nai xinh đẹp,
vì không chịu kết hôn với chàng trai Raglai mà vua cha chỉ định, nàng
công chúa đã bỏ trốn lên núi và tu hành tại nơi đây.
Nơi đây diễn ra lễ hội Po Nai khác lạ và độc đáo với các lễ hội khác của người Chăm. Ảnh: wiki. |
3. Núi Đá Trắng
Người Chăm gọi Cek Yang Patao (núi Thần - Vua) là tên di tích núi Đá
Trắng. Do cả ngọn núi bao phủ bởi lớp đá thạch anh trắng nên người dân
quanh vùng gọi là núi Đá Trắng. Đến đây, du khách sẽ được nghe kể về
những truyền thuyết kỳ bí xung quanh mỏm núi đá này. Đó là truyền thuyết
về chằn tinh đòi cưới công chúa người Chăm và làm vua xứ Chăm, vua Chăm
không chịu đã cho mời hai dũng sĩ là chàng Cao, chàng Thấp đến giao
chiến với chằn tinh. Thua cuộc, chằn tinh cầu xin được chết với lễ vật
cúng tế là một con trâu trắng để ban cho người dân mưa thuận gió hòa,
sâu bọ không phá hoại mùa màng.
Từ đó đến nay, cứ 7 năm một lần người Chăm quanh vùng làm lễ cúng tế
bằng một con trâu trắng, lễ tế đã trở thành một phong tục rất riêng của
người Chăm làng Đá Trắng nơi đây.
Núi Đá Trắng gắn liền với truyền thuyết Chăm. Ảnh: Putra Jatrai. |
4. Giếng cổ Thành Tín
Di tích thuộc làng Thành Tín, xã Phước Hải, Ninh Phước cách thành phố
Phan Rang 4 km về phía đông nam. Nơi đây còn tồn tại hai giếng cổ mà
người Chăm gọi là "bingun likei" (giếng đực), "bingun kamei" (giếng
cái). Nét độc đáo là giếng nước vẫn còn nguyên vẹn và được người dân sử
dụng để sinh hoạt hàng ngày, tạo nên nét văn hóa làng đặc sắc.
Người dân rất kiêng cữ, chỉ lấy nước giếng đực để tắm cho thần trong
những ngày lễ, còn giếng cái được dùng trong sinh hoạt. Giếng nước rất
ngọt và trong vắt. Vào mùa khô giếng cổ nơi đây là nguồn cung cấp nước
chính cho dân làng và người dân quanh vùng.
Tham quan những chứng tích lịch sử đậm nét truyền thuyết, du khách sẽ
trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, được thưởng thức những vũ điệu Champa
nhịp nhàng theo điệu múa quạt, thưởng thức những nét ẩm thực lạ miệng mà
đặc sắc, hòa mình vào những huyền thoại, sự tích đầy mê hoặc.
Giếng cổ Champa được người dân bảo quản cẩn thận. Ảnh: Baoninhthuan |
Putra Jatrai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét