Sò vẹo còn có tên gọi khác là sò quéo hay sò dẹo, bắt nguồn từ hình
dáng bên ngoài của nó. Ở Việt Nam, loại sò này phân bố chủ yếu ở vùng
biển miền Trung kéo dài vào miền Nam. Tuy phân bố trên diện rộng nhưng
số lượng sò vẹo không nhiều, trong khi thịt ngọt, thơm ngon nên được
nhiều người ưa thích. Do vậy, loại sò này thường được bán với giá cao
hơn so với các loại hải sản phổ biến khác.
Lớp mỡ hành bao bọc lan tỏa hương thơm đem lại cho món ăn sự hấp dẫn khó có thể bỏ qua. Ảnh: Tiêu Phong.
|
Sò vẹo khá lớn, con trưởng thành to bằng hai ngón tay người lớn. Chúng sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, chủ yếu là sống trong các ghềnh đá, rặng san hô, muốn đánh bắt chúng, ngư dân phải lặn xuống gỡ từng con một. Sò vẹo bắt về được rửa sạch và chế biến thành nhiều món ăn ngon như nấu cháo, hấp, luộc... món nào cũng thơm ngon và hấp dẫn.
Riêng sò vẹo nướng mỡ hành, đây là món chế biến khá công phu nhưng lại
được nhiều người ưa thích vì cho thịt ngọt, giòn ngon và hơi béo. Để làm
món này, phải chọn con sò còn sống thì khi chế biến thịt sò mới giòn,
thơm ngọt. Sò được rửa sạch vỏ bên ngoài, rồi đem luộc vừa há miệng
(không luộc chín vì khi nướng sẽ làm thịt sò khô, không có vị ngọt) thì
vớt ra.
Phải thưởng thức sò khi vừa nướng xong mới cảm nhận được trọn vẹn hương vị thơm ngọt của nó. Ảnh: Tiêu Phong.
|
Sò được tách bỏ một bên vỏ, rồi xếp lên vỉ nướng chín trên bếp than
hồng. Khi thịt sò tiết nước ra, bắt đầu cho mỡ hành lên, nướng đến khi
món ăn tỏa mùi thơm nức của mỡ hành thì gắp sò ra đĩa, rắc lên ít đậu
phộng rang rồi dùng khi còn nóng.
Để thưởng thức trọn vẹn hương vị thơm ngon của món ăn này, dĩ nhiên
không thể thiếu chén muối ớt xanh hoặc nước chấm hơi cay. Nhón tay cầm
một con sò, rưới nước chấm lên bề mặt, khéo léo tách phần thịt rồi cho
vào miệng. Thịt sò giòn giòn, vị ngọt đặc trưng hòa với vị đậm đà của
nước chấm đang lan tỏa trong miệng khiến thực khách mê mẩn, ăn rồi lại
muốn ăn nữa.
Tiêu Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét