Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Những con đèo nguy hiểm nhưng đẹp nhất Việt Nam

Trên những con đường xuyên Việt ra Bắc vào Nam, với địa hình nhiều đồi núi, đất nước hình chữ S xinh đẹp đã tạo ra những con đèo, mà du khách mỗi lần đi qua không thể nào quên được. 

Đèo Hải Vân (Đà Nẵng – Huế)
Trải dài theo sườn núi Hải Vân là đèo Hải Vân, dài khoảng 20km, nối liền hai tỉnh thành Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng. Đèo Hải Vân được ví như dải lụa mềm mại vắt ngang dãy núi hùng vĩ bạt ngàn lau sậy.
Từ ngàn xưa cho đến bây giờ, đèo Hải Vân luôn là cảm hứng vô tận của thi nhân mặc khách, họa sĩ, nhiếp ảnh gia trong nước cũng như người nước ngoài. Nơi đây quả đúng là "Đệ nhất hùng quan”.
Đèo Cù Mông (Bình Định - Phú Yên)
Đèo Cù Mông là một đèo ngắn nhưng hiểm trở nhất nhì Việt Nam. Đèo nằm trên QL 1A, là ranh giới giữa hai tỉnh Bình Định – Phú Yên, dài 7km, đỉnh cao 245m, đường nhiều dốc, có nhiều khúc cua gấp, hai bên là núi cao. Theo một vài tư liệu, đèo Cù Mông chính là ranh giới của hai nước Đại Việt và Chiêm Thành ở gần cuối thế kỷ thứ 15.
Đèo Ngang (Hà Tĩnh – Quãng Bình)


Đèo Ngang hay Hoành Sơn Quan thuộc địa phận xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cách thành phố Hà Tĩnh 75km về hướng nam. Đèo Ngang nằm trên QL 1A, nối hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Phong cảnh đèo Ngang hùng vĩ, dưới chân đèo là những bãi tắm sạch, đẹp. Trên đèo có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và nhiều am, miếu cổ. Nơi đây được quy hoạch thành khu di lịch Đèo Ngang – Hòn La với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.
Đèo Ngoạn Mục (Ninh Thuận)
 Cái tên Ngoạn Mục nghe cũng hình dung ra được ngọn đèo này có nhiều điều ly kỳ, ngoạn mục. Đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Sông Pha là một trong những ngọn đèo có cảnh quan đẹp nhất đèo núi ở Việt Nam, đèo nằm trên địa phận tỉnh Ninh Thuận. Đèo Ngoạn Mục được khai phá từ cuối thế kỷ 19, lúc ấy có tên là Bellevue. Chiều dài đèo 18,5km, độ dốc trung bình là 9 độ, đỉnh đèo cao 980m. Toàn đèo có 4 khúc cua khuỷu tay rất gấp, đường đèo ngoằn ngoèo, uốn lượn mềm mại qua những đồi núi lớn nhỏ khác nhau, phong cảnh rất thơ mộng.
 Đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang)
Đây là cung đường chạy dài 20km uốn quanh đỉnh núi Mã Pí Lèng cao 2.000m, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Đoạn đèo này nổi tiếng với những cung đường uốn lượn như con rắn vắt mình từ ngọn núi này sang ngọn núi khác.
Con đường chạy qua đèo Mã Pì Lèng có tên gọi là đường Hạnh Phúc, được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam xây dựng từ năm 1959 - 1965. Tại đoạn đường đèo, các nhân công đã phải treo mình trên dây giữa các vách đá để thi công trong suốt 11 tháng.
Từ năm 2009, vùng núi Mã Pí Lèng đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó, đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan. Đỉnh đèo là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam. 
Đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai – Lai Châu)
Với chiều dài gần 50km, đèo Ô Quy Hồ là con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc. Đây cũng là một trong số những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất Việt Nam.
Con đèo này nằm trên tuyến QL 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo ở độ cao 2.000m chính là ranh giới giữa hai tỉnh.
Tên gọi Ô Quy Hồ xuất phát từ tiếng kêu da diết của một loài chim, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Bên cạnh đó, đèo Ô Quy Hồ cũng được gọi là đèo Hoàng Liên, do vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.
Đỉnh đèo Ô Quy Hồ nằm giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời. Những năm trời lạnh, đỉnh đèo có thể phủ kín băng tuyết.
Đèo Pha Đin (Sơn La – Điện Biên)
Đèo Pha Đin có độ dài 32km với điểm cao nhất là 1.648m. Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, nghĩa là "Trời và Đất", hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.
Đèo Pha Đin vừa nổi tiếng hiểm trở, vừa là nơi có khung cảnh đẹp mê hồn. Trên lưng chừng đèo thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một.
Đèo Khau Phạ (Yên Bái)
 Đây là con đèo dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30km. Và cũng là một trong những cung đường đèo quanh co, dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.
Đèo nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có... ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển.
Khung cảnh nhìn từ đèo Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín (tháng 9 - tháng 10). Khi lúa trên chân ruộng bậc thang Tú Lệ chín vàng là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp này.
Ngoài những thửa ruộng bậc thang trải dài miên man, nằm bên cung đường đèo quanh co của Khau Phạ còn cả những cánh rừng già mang đậm nét nguyên sơ, lưu giữ được nhiều loại động thực vật quý hiếm.
M.L (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét