Kỳ 1: Người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ
Đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn cho phép những người
nước ngoài đến làm ăn, buôn bán chính thức tại Hội An; trong đó các nhà
buôn người Nhật và Hoa Kiều chiếm đại đa số. Năm 1614, chính quyền Nhật
Bản thực hiện lệnh cấm đạo nên các giáo sĩ truyền đạo bỏ đi. Họ lên
đường đến thương cảng Hội An.
Dòng Tên (dòng mang tên Chúa Jesus) cử 3 tu sĩ
gồm Francisco Buzoni, Diego, Carvalho (người Bồ Đào Nha), Jose và Paulo
(2 người Nhật) đến Tourain (Đà Nẵng), sau đó họ vào Faifo (Hội An)
truyền đạo. Đó là ngày 18/1/1615.
Nhà thờ Hội An hiện nay
Khi đến Hội An cư trú nhưng việc giảng đạo ở đây lại không thuận lợi vì đa phần người Hội An lúc này là người nước ngoài, làm ăn, buôn bán nên họ không quan tâm việc nghe giảng đạo. Các nhà truyền giáo lại không biết tiếng An Nam (tiếng Việt) vì vậy họ phải đến vùng Thanh Chiêm (cách Hội An khoảng 10km) truyền đạo cho người địa phương vừa truyền đạo vừa học tiếng. Đầu tháng 4 năm 1615 họ đã rửa tội cho 10 giáo dân. Năm sau đã có hơn 300 người theo đạo. Thấy công việc trôi chảy, họ ở lại Thanh Chiêm.
Đến đây chúng ta thấy rằng những nhà truyền giáo
đến Đà Nẵng theo đường biển nhưng lại đi đến Hội An cư trú và lập nhà
thờ. Vì vậy có thể nói nhà thờ Hội An chính là nơi đầu tiên các giáo sĩ
phương Tây đến và cư ngụ (năm 1615).
Khu mộ cổ các giáo sĩ nước ngoài tại nhà thờ Hội An
Hai năm sau (1617) giáo sĩ Francisco de Pina (người
Bồ Đào Nha) đến xứ Đàng Trong (Hội An). Ông là người giỏi tiếng Nhật
nên có thể truyền giáo cho những thương nhân Nhật Bản ở đây. F.Pina đến
vùng Thanh Chiêm bỏ tiền ra mua đất làm nhà thờ và ông ở đó để học tiếng
người địa phương. Trong tất cả những người truyền đạo thì F.Pina là
người duy nhất không cần thông dịch. Ông nghiên cứu tiếng nhờ những
người dân địa phương; đến năm 1622, F.Pina cơ bản hoàn tất việc chuyển
hóa ngôn ngữ từ âm tiếng Việt sang chữ viết Latinh. Ông mở trường dạy
tiếng Việt cho các giáo sĩ trong đó có Antonio de Fontes (người Bồ Đào
Nha) và Alexander de Rhodes (người Pháp).
Vào một ngày tháng 12 năm 1625, F.Pina đi nhận
hàng ở Cửa Đại (Hội An), trong lúc ở trên thuyền thì một cơn gió thổi
làm ông ngã xuống biển. Do mặc áo dòng lụng thụng không bơi được nên ông
bị chết đuối. Cái chết của F.Pina đã làm công trình biên soạn tiếng
Việt bị dang dở. Sau đó hai nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha khác là
Gaspar de Amaral (1549-1646) và Antonio Barbosa (1594-1647) tiếp tục
công trình của F.Pina.
Mộ các giáo sĩ nước ngoài thế kỷ 17, 18, 19
Năm 1625, khi Alexxander De Rhodes
bị trục xuất ở xứ Đàng Ngoài vào Hội An đến Thanh Chiêm, ông ta mới
tiếp tục công trình của F.Pina rồi biên soạn thành tự điển Việt La Bồ
(Việt Nam-La tinh-Bồ Đào Nha). Năm 1645, Alexxander de Rhodes chính thức
bị chúa Nguyễn trục xuất khỏi xứ Đàng Trong.
Lịch sử luôn có những điều bất ngờ, các nhà truyền
giáo đã làm một điều thật kỳ diệu là đã chuyển tiếng nói của người An
Nam từ chổ không có chữ viết trở thành có chữ viết theo hệ Latinh. Theo
các quá trình như trên thì chính Francisco de Pina mới là cha đẻ của chữ
Quốc ngữ, tức tiếng Việt ngày nay. Trong khi Alexander De Rhodes chỉ là
người học trò của ông, biên soạn tiếp theo dựa trên “bộ khung” mà Pina
thiết kế.
Một điều “bí ẩn” nữa là giáo sĩ F.Pina chết vào
tháng 12 năm 1625 nhưng không thấy tài liệu nào đề cập việc chôn cất ở
đâu. Do không thấy tài liệu nào nói đưa thi hài ông đi khỏi xứ Đàng
Trong nên có thể khẳng định rằng Francisco de Pina đã được chôn cất tại
Hội An (Faifo). Còn vị trí nào, ở đâu thì đến nay vẫn chưa biết được.
Phù điêu trên nhà thờ Hội An cho thấy hình ảnh các giáo sĩ nước ngoài đến Đàng Trong giảng đạo trên con thuyền vượt biển
Cũng cần nói thêm là ngoài các giáo sĩ Dòng Tên nêu
trên còn có các giáo sĩ Hội Thừa Sai Paris như Lambret la Motte
(1659-1679), Luy Laneun (1680-1682), Culielm Mahot (1682-1684),
Francisco Perez(1684-1728), Carola Marino Lable (1697-1723), Alexandro
de Alexandris (1726-1738), Juan Valere Rist (1735-1737). Trong số trên
có 3 giáo sĩ đã được cải táng đưa về nhà thờ Hội An chôn cất.
Đến đây chúng ta có thể xác định được một số vấn
đề sau: Nhà thờ Hội An là nhà thờ công giáo đầu tiên tại Việt Nam (Giáo
xứ Hội An được thành lập năm 1615). Dinh Trấn Thanh Chiêm (xã Điện
Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) là cái nôi tiếng Việt (năm 1617 khi
F.Pina đến đây bỏ tiền ra mua đất xây nhà thờ, nghiên cứu chuyển ngữ
tiếng nói người Việt ra mẫu tự Latinh). Francisco de Pina (1585-1625)
mới chính là cha đẻ của tiếng Việt chứ không phải Alexander De Rhodes.
B.Thuyên-C.Bính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét