Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Tắm mát ở suối Hiêu - nơi cây biến thành đá

Bản Hiêu (Thanh Hóa) với ruộng bậc thang đẹp chẳng kém Tây Bắc, có dòng suối Hiêu nổi tiếng biến cây thành đá. 
Bản Hiêu thuộc xã Cổ Lũng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đây là điểm đến yêu thích của dân phượt và các du khách nước ngoài ưa du lịch khám phá trong vài năm nay. Đến Pù Luông mùa lúa chín, cung đường dài 25 km từ thị trấn Cành Nàng đến bản Hiêu rất đẹp bởi hai bên là cánh đồng ruộng bậc thang nằm hai bên bờ suối. Qua khỏi cầu treo bằng gỗ là vào bản.


Bản Hiêu chìm trong sương sớm với những nếp nhà sàn của người dân tộc Thái.
Nơi đây nổi tiếng với dòng suối Hiêu có thể biến cây thành đá. Do chứa một lượng đá vôi lớn, nên nước suối Hiêu làm vôi hóa những bộ rễ cây nằm dưới lòng suối. Ở nơi suối Hiêu đổ nước về những mảnh ruộng bậc thang thì nước khá hiền hòa, nhưng càng đi ngược lên đầu nguồn thì độ dốc càng lớn, tạo thành dòng chảy mạnh. Nước suối trong, mát lạnh mùa hè và ấm mùa đông.
Hiêu trong tiếng Thái có nghĩa là mỏm đất chênh vênh, nhô ra đúng với địa thế thôn Hiêu và thác Hiêu đang tọa lạc.
Thích nhất là được vẫy vùng trong làn nước trong mát, quên hết đi những mệt nhọc của chốn thị thành.
Cuối tháng 6, những mảnh ruộng bậc thang bắt đầu chín vàng, là thời điểm bản Hiêu cũng như Pù Luông đẹp nhất trong năm. Đây cũng là lúc suối Hiêu đầy nước, chảy ầm ào suốt ngày đêm. Dòng suối chảy quanh bản làng, chứa chan cho những mảnh ruộng, mang đến vụ mùa ấm no cho người dân bản Hiêu.
Bản Hiêu là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài ham mê khám phá du lịch sinh thái.
Thăm ruộng bậc thang, tắm suối xong, khách có dịp thưởng thức mâm cơm có những đặc sản của người Thái như thịt gà, nộm hoa chuối rừng, canh măng... với giá rất hợp lý, chỉ dao động từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Đến Hiêu mà chưa được ăn thịt vịt Cổ Lũng thì coi như chưa đến nơi này. Giống vịt cổ to, chân thấp, thịt chắc, thơm. Vịt thả ở đồng, không cho ăn cám nên trứng nhiều lòng đỏ, bán giá cao hơn nhiều so với vịt thường.
Hiêu bình yên, con người thân thiện, không có ồn ào, đua chen cho nhiều người cảm giác như được về nhà khi đến đây.
Cánh đồng xã Lũng Niêm và khu chợ phố Đòn nhìn từ trên cao như một bức tranh sơn thủy hữu tình... Ảnh: baothanhhoa.
Trên đường trở về từ bản Hiêu ra thị trấn Cành Nàng, du khách thường rất thích ghé chợ phố Đòn, phiên chợ vùng cao đặc biệt của người dân Bá Thước. Chợ chỉ họp vào sáng thứ 5 và sáng chủ nhật hàng tuần. Khách có thể ăn bát canh đắng, rồi dạo chợ, mua sản vật người dân tự trồng được hoặc thu lượm của núi rừng đến đây bán, như : mật ong, măng rừng, cua, ốc đá.

Những con cua đá sống ở khe suối bán với giá 10.000 đồng/xâu. Nếu bạn đi hai ngày cuối tuần thì có thể chạy đường Hồ Chí Minh, qua thị trấn Cẩm Thủy, rồi rẽ về thị trấn Cành Nàng (Bá Thước), qua cầu La Hán khoảng 25 km là tới nơi. Nếu đi dài ngày và muốn kết hợp đi đường nhiều nơi thì cung Mai Châu (Hòa Bình - Pù Luông (Thanh Hóa) khá lý tưởng. Từ Hà Nội đi xe máy tới Mai Châu, nghỉ đêm ở bản Com Poọng hoặc bản Lác rồi theo hướng Co Lương, theo đường 15C chạy dọc sông Mã để tới khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, vào thăm các bản Hiêu, Kho Mường... rồi trở lại Hà Nội.
Phương Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét