Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Thăm tiên cảnh trên 'tứ đại đỉnh đèo' Tây Bắc

Tây Bắc có bốn con đèo: Ô Quý Hồ, Mã Pí Lèng, Pha Đin, Khau Phạ cực kỳ nổi tiếng mà mỗi khi nhắc đến, những tay lái đường dài kỳ cựu luôn mê đắm.  Thật khó tả được cảm xúc khi chạy xe trên những con đường đèo nổi tiếng về chiều dài, độ cao, độ cua, độ nguy hiểm và cả vẻ đẹp hùng vĩ này.
Dưới ánh bình minh, hoàng hôn tím muộn hay đêm trăng ngút ngàn, những con đường cắt qua rừng thông mù sương, bản làng mộc mạc bình yên, hay bồng bềnh trong những biển mây trắng.
Những con đường dốc ngoằn ngoèo, quanh co, ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc

Có những người quyết tâm chinh phục những con đường này để đặt chân đến nơi những cột mốc, biên cương tổ quốc. Có người đi chỉ để được nhìn thấy biển mây bồng bềnh như tiên cảnh, những thửa ruộng bậc thang nhuộm vàng núi rừng.

Cũng có những người đi để dự phiên chợ, gặp gỡ và thấy những nụ cười, trải nghiệm những ngọt bùi cay đắng vùng cao… Và quan trọng nhất với những kẻ lãng du, không phải tìm hạnh phúc ở đích đến, mà tìm thấy ngay trên từng cung đường.

Ô Quy Hồ
 Đèo Ô Quy Hồ nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đây là con đèo giữ kỉ lục về độ dài ở Tây Bắc với chiều dài lên đến gần 50km.
 Con đèo này là một thử thách lớn với dân đi phượt. Một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách đá dựng đứng. Đã có rất nhiều tai nạn thảm khốc xảy ra nhưng vẫn không ít người quyết tâm chinh phục Ô Quy Hồ.

Mã Pí Lèng
 Đèo Mã Pí Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi Tây Bắc, thậm chí được ví như "vua" của các con đèo Việt Nam.
 Mã Pí Lèng nằm giữa cao nguyên đá Đồng Văn, một bên là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng và một bên là sông Nho Quế thơ mộng.
 Trên đèo Mã Pí Lèng có một con đường rất nổi tiếng với dân phượt mang tên đường Hạnh Phúc. Trên đỉnh đèo hiện cũng đã có một trạm dừng chân cho du khách ngắm cảnh.

Pha Đin

Đèo Pha Đin là đèo núi có độ dài 32km nằm trên quốc lộ 6, thuộc địa phận thị xã Sơn La (tỉnh Sơn La) và thành phố Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Trong tiếng Thái, chữ Pha có nghĩa là trời, Đin mang nghĩa là đất. Gọi là đèo Pha Đin ý nói nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa đất và trời.


Nhắc đến đèo Pha Đin, chắc hẳn nhiều người có thể nhớ đến những câu thơ trong bài thơ nổi tiếng Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu:
Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh


Khau Phạ
 Đèo Khau Phạ thường mịt mù sương phủ và đỉnh đèo núi như nhô lên trên biển mây. Trong tiếng Thái, Khau Phạ có nghĩa cổng trời.
 Đèo Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa, tầm tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang chín vàng nương. Đây cũng là thời điểm mà dân phượt mạo hiểm lựa chọn chinh phục con đường đèo.




Những con đèo "huyền thoại" khác của Tây Bắc
Đèo Mã Phục (Cao Bằng)
 Đèo Mã Phục là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường quốc lộ 3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22km.


Đèo Thung Khe (Hòa Bình)
 Đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng, nằm giữa Cao Phong và Mai Châu của Hòa Bình, trên quốc lộ 6. Con đèo đi qua những vực đá dựng đứng, không quá dài và quá dốc nhưng nổi tiếng nguy hiểm.

Dốc Xín Cái (Hà Giang)

Dốc Xín Cái nằm trên con đường ngoằn ngoèo đi xuống dòng nho quế rồi lai lên những đỉnh núi trùng điệp ở mảnh đất vùng sâu và xa nhất của tỉnh Hà Giang.

Đèo Dốc Mẫu Sơn (Lạng Sơn)
 Đường đi lên đỉnh Mẫu Sơn rất dốc và nhỏ chỉ đủ một làn xe, một bên là núi, một bên là vực sâu. Vào mùa đông mặt đường gần như đóng băng sẽ rất trơn trượt khó đi.


Dốc Du Già - Mậu Duệ (Hà Giang)
 Con dốc cao như lên trời này men theo những triền núi, nền đường chỉ toàn đá gập ghềnh, đá xanh sắc nhọn, đá trắng lởm chởm.


Đường Sủng Là (Hà Giang)

Sủng Là nổi tiếng với "món đặc sản" là những con đường đèo vắt vẻo, quanh co.
 
Đường Mèo Vạc (Hà Giang)

Con đường đèo đi lên cao nguyên Mèo Vạc như thân rắn uốn mình qua những vách núi đá tai mèo.


Phượt ký của Ngô Huy Hòa
(Bố susu sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét