Một căn nhà cấp bốn đột ngột hiện ra ở bìa rừng. Anh Ngô Duy Bổng, thành viên trong đoàn, mách nhỏ với tôi: “Đây có thể coi là trạm đón tiếp du khách. Mình gửi xe ở đây, kiểm tra lại các túi đựng ẩm thực và mượn một ít vật dụng cần thiết cho cuộc dã ngoại”.
Tiếng dội rì rầm của thác Đá Giăng từ xa vọng lại như mời gọi, thúc giục chúng tôi. Và chỉ mới không đầy 10 phút băng rừng, khoảng không gian của đá và nước bất ngờ mở ra, phóng đãng và trữ tình đến mức ai cũng ngẩn người xuýt xoa dù ba lô còn trên vai. Nghe xao động trong những chòm hoa dại bên vách núi, chợt nhớ đã là mùa con ong đi lấy mật.
Tiếng đồn không sai. Đá Giăng đẹp thanh tao và rạng rỡ giữa núi rừng u tịch. Chẳng thế mà dân phượt trong tỉnh thường gọi Đá Giăng là “mỹ nhân miền sơn cước”. Đang ngẩn ngơ trước những đoạn suối trong xanh, chảy dịu dàng qua hàng nghìn đá chìm đá nổi, chúng tôi lại nghe tiếng ầm ào vang vọng từ xa.
Nhìn lên phía tây, thấp thoáng sau những vạt bông lau mỏng mảnh, dòng thác từ độ cao khoảng vài chục mét đổ xuống, tung bọt trắng xóa, làm sáng cả một góc rừng. Tôi hỏi một “thổ địa” Phổ Nhơn rằng Đá Giăng thực sự là thác hay là suối. Anh này có câu trả lời khá…quảng cáo nhưng cũng rất văn chương: "Hai trong một! Đá Giăng là “liên khúc” của thác và suối".
Để ướp lạnh bia ở Đá Giăng, du khách không cần mang theo nước đá. Chỉ việc chọn một hốc nước nào đó, xổ thùng bia ra và trút xuống. Ngâm độ 10 phút sau lấy lên uống, bia mát lạnh ở độ vừa phải làm cơn khát tan nhanh. Đá Giăng thật khéo xếp bày, chỉ cần vài chục bước chân là đã gặp một chiếc “bàn đá” đủ để hàng chục người ngồi quây quần ăn uống vui chơi dưới bóng những tán cây già với bộ rễ xù xì dễ có đến hàng trăm năm tuổi. Sau chầu bia nhẹ với thức ăn mang theo, đoàn chúng tôi tản ra, thâm nhập Đá Giăng theo sở thích của mỗi người.
Tôi men theo rìa suối ngược lên thác. Tiếng gầm réo từ vực nước sâu dưới chân thác vọng lên nghe như bản giao hưởng dữ dội, u uất của đại ngàn. Hơi nước giăng mờ quanh thác, chút lành lạnh gợi nhớ “nàng” Prenn – Đà Lạt. Cứ ngỡ hoa cỏ không hợp với dòng thác đầy “nam tính”, ầm ào chảy xiết này. Nhưng không, từng chùm lan rừng vàng tươi, tím biếc, hồng phai hoặc trắng muốt… xen chút cỏ mong manh vẫn vô tư treo mình, đung đưa dọc vách đá ẩm ướt, xanh um màu dương xỉ.
Cái mềm mại đung đưa, lả lơi bên cạnh cái thênh thang, hùng vĩ. Một sự cân bằng của thiên nhiên chăng? Máy ảnh của tôi “no” những series ảnh về thác nước, gộp đá, hoa cỏ và cây rừng. Chỉ tiếc là không “ghi” được bản nhạc với tiết tấu nhanh, mạnh, ào ạt, gầm thét đến độ muốn bùng vỡ của dòng thác đẹp nhất Đức Phổ này.
Lội suối xuôi dòng, chợt thấy anh bạn nói có lý: ở Đá Giăng có thể nghe “liên khúc” thác và suối trong tiếng bè trầm của gió rừng và nhạc đệm là tiếng chim ríu rít. Càng về hạ lưu, suối càng trong xanh, chảy dịu nhẹ, mơ màng len qua từng phiến đá. Dòng suối chầm chậm, tỉ tê, réo rắt, thi thoảng mới có vài “nốt bổng” khi dòng nước bất chợt rẽ ngoặt, sủi bọt trắng ngần.
Chú Sáu quê thị trấn Đức Phổ, người lần đầu lên Đá Giăng, thở cái phào, nằm trên tảng đá giơ cái bụng chang bang, nói ta đây tạm lìa “hạ giới” lên với suối reo thác réo thật quá đã đời. Lên Đá Giăng là hết… lăn tăn, hết băn khoăn, cảm thấy… ăn năn về cái sự lúc nào cũng quần quật bon chen tới mức chẳng biết trời mây non nước quê mình nó đẹp như thế nào. “Tình hình” này chắc mỗi tháng phải “thăng” Đá Giăng một chuyến quá!
Một người trong đoàn cho biết dòng suối này đã từng in bóng chị Đặng Thùy Trâm. Những ngày mưa lũ triền miên, thương binh thiếu lương thực trầm trọng, chị đã cùng đồng đội cắt rừng, băng suối, vượt đường số 1 để gùi lương thực về trạm xá nuôi anh em. Chúng tôi ai cũng trầm ngâm nghĩ về chị. Đoạn suối Đá Giăng nào chị đã từng qua? Tảng đá nào chị đã ngồi nghỉ, buộc lại mái tóc thề và thầm mơ thấy hòa bình? Và tảng đá dưới bóng râm nào chị đã mở trang nhật ký ghi vội mấy dòng nhớ thương về Hà Nội?
Chiều nắng xế, chúng tôi ngồi quanh nồi ốc bốc khói - loại ốc sinh sôi rất nhiều trong các hốc đá ẩm ướt. Không biết các nàng trong đoàn chuẩn bị lúc nào mà đĩa ốc “hoành tráng” cứ như trong nhà hàng. Lại cụng lon. Những lời bình phẩm đẹp đẽ về Đá Giăng sôi lên cùng tiếng cười đùa sảng khoái. Một người tiếc là không mang theo cây đàn ghi ta. Người khác nói hẹn lần sau. Cô bạn “Quảng” bất ngờ “phản biện”, nói lần sau cũng chẳng cần. Đá Giăng hắn sẵn nhạc rừng “loãng moạn” rồi, cần chi đàn địch nữa.
Du ký của Trần Cao Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét