Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Đến Huế tham quan lăng tẩm - Kỳ 1: Những ngôi mộ tiền tỉ

(iHay) Quan niệm “sống ở thác về” từ xưa đã tồn tại trong lòng người Huế và đến tận ngày nay, điều này được thể hiện qua những ngôi mộ tiền tỉ khang trang ở các làng cổ hay những “cung điện lăng” của các vị vua triều Nguyễn.


Một đền thờ họ giáp đầy gạch men và cẩm thạch ở làng chài Thái Dương Hạ
Có người cho rằng những lăng mộ được xây dựng như cung điện của các vua triều Nguyễn thật xa hoa lãng phí. Nhưng nếu có dịp dạo quanh các ngôi làng cổ ở Huế, bạn sẽ hiểu là ngay cả đối với người dân bình thường, lăng mộ của người đã khuất có khi còn được xem trọng hơn là nhà của người sống. Một lăng mộ khang trang, lộng lẫy không chỉ thể hiện sự tôn kính, hiếu thuận đối với người thân đã khuất mà còn là niềm tự hào của người sống. Theo cảm nhận của riêng người viết là vậy.
Xây "nhà” khang trang để "trở về"
Có lần lạc vào những ngôi mộ và đền thờ giáp đầy gạch men, cẩm thạch ở làng chài Thái Dương Hạ (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), tôi đã không khỏi ngạc nhiên và có phần… thích thú. Hỏi ra mới biết, người trong làng quan niệm rằng con người sống trên đời chỉ là sống tạm, khi trở về thế giới bên kia mới thật sự là trở về nhà. Chính vì lẽ đó, ai cũng xây cho người thân của mình một “ngôi nhà” khang trang để "trở về".
 
Những ngôi mộ bề thế trong một nghĩa trang rộng lớn ở phá Tam Giang
Một ngôi làng khác ở Huế cũng nổi tiếng với nhiều ngôi mộ tiền tỉ là làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Người dân ở “thành phố lăng” này cho rằng “sống cái nhà, thác cái mồ”, cho nên dù người sống có đói kém thế nào cũng ráng xây cho người thân đã khuất của mình một ngôi mộ hoành tráng. Người trong làng cho biết, những ngôi mộ đồ sộ nhất có chi phí lên đến trên dưới 1 tỉ đồng.
 
Một ngôi mộ tiền tỉ ở “thành phố lăng” An Bằng. Ảnh: Mùa thu nhỏ
Ngoài ra, nếu có dịp ghé thăm chùa cổ ở Huế, bạn sẽ thấy các ngôi chùa này thường có khu vực mộ phần của những vị trụ trì, cao tăng đã khuất. Tuy không lộng lẫy như ở làng An Bằng nhưng cũng là những ngôi mộ được xây dựng chỉn chu và được chăm sóc kỹ lưỡng.
 
Khu vực lăng mộ của các vị cao tăng và thái giám triều đình xưa ở chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, thành phố Huế) được quét dọn mỗi ngày
Những lăng vua nổi tiếng
Có một điều hay (hoặc dã đã được người xưa sắp đặt) là những lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn còn tổn tại đến ngày nay đều nằm ở phía Tây Nam của kinh thành Huế. Điều này có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể vạch ra một cung đường chung để tham quan hầu hết các lăng mộ nổi tiếng.
Đầu tiên, từ trung tâm thành phố Huế, bạn đi theo đường Điện Biên Phủ, ra quốc lộ  49. Ở đầu quốc lộ 49 là đàn Nam Giao, bạn có thể tranh thủ ghé vào tham quan, đây là nơi mà ngày xưa triều đình làm lễ tế trời.
 
 Đàn Nam Giao - Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Rời khỏi Đàn Nam Giao, bạn tiếp tục đi trên quốc lộ 49 khoảng 5km để đến lăng Khải Định (Ứng Lăng). Trên cung đường này, bạn sẽ đi ngang đồi Thiên An, nơi có không khí mát mẻ trong lành với những cây thông cao vút, gợi nhớ về Đà Lạt ngàn thông.
 
Đoạn đường đi qua đồi Thiên An không khác gì những cung đường Đà Lạt
Từ lăng Khải Định, bạn vẫn tiếp tục đi trên quốc lộ 49, qua khỏi cầu vượt Khải Định, cầu Châu Ê và cầu Tuần (bắc ngang sông Hương), đi thêm khoảng 2km nữa (vẫn trên quốc lộ 49) thì hỏi đường vào lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng).
Rời khỏi lăng Minh Mạng, bạn quay lại cầu Tuần, đi theo con đường bên dưới cầu, dọc theo sông Hương khoảng 3 km để đến bến đò Kim Ngọc, qua sông đi thêm 2,5 km là đến lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng). Đây là lăng vua xa nhất, khó đi và khó tìm nhất, bạn cần hỏi đường dân địa phương để khỏi lạc.
Thiên Thọ Lăng không chỉ là nơi an nghỉ thờ tự vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, mà còn là nơi chôn cất của nhiều hoàng thân quốc thích khác nên được cho là lăng tẩm hoành tráng nhất của nhà Nguyễn.
 
Mộ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu được đặt cạnh nhau, đây là điều đặc biệt so với những lăng mộ khác. Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu là vợ đầu của vua Gia Long, cùng ông trải qua nhiều gian khổ từ thưở hàn vi đến lúc qua đời nên được đặc ân này. Ảnh: Cristian Sorega
Từ lăng Gia Long, bạn quay lại bến đò Kim Ngọc, trở về con đường dọc theo sông Hương. Vi vu bên bờ sông Hương là một trải nghiệm thú vị, bạn sẽ hiểu vì sao bao nhiêu thơ ca cũng không đủ để miêu tả hết vẻ đẹp của dòng sông này.
 
Nước sông Hương còn thương chưa cạn…
Từ bến Đò Kim Ngọc, đi khoảng 6km theo con đường bên bờ sông Hương, bạn sẽ thấy một ngã 3, rẽ phải, đi tiếp chừng 500m là tới lăng Thiệu Trị (Xương Lăng).
Sinh thời, vua Thiệu Trị không muốn dân binh hao công tốn của nên chưa xây dựng lăng. Đến khi ông mất đi, vua Tự Đức (con của ông) mới cho gấp rút xây dựng Xương Lăng. Chỉ trong vòng 10 tháng, Xương Lăng đã được hoàn thành với những nét kiến trúc khá giống với lăng Gia Long và lăng Minh Mạng, hòa hợp về phong thủy và gần gũi với thiên nhiên. Xương Lăng cũng là nơi an táng của hoàng hậu Từ Dũ, vợ của vua Thiệu Trị, người được xem là một trong những bậc mẫu nghi thiên hạ bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.
 
Hồng Trạch Môn của Xương Lăng
Tuy nhiên, Xương Lăng đang xuống cấp trầm trọng và đang được đóng cửa trùng tu, sửa chữa. Những hoang tàn rêu phong của Xương Lăng làm bất cứ ai ghé qua cũng thoáng chút ngậm ngùi cho vị vua cả đời vì dân vì nước và vị hoàng hậu nhân từ, đức hạnh.
 
Bi Đình hoang tàn
 
Cây dại “tự do” mọc ở Bửu Thành, nơi đặt lăng mộ của vua Thiệu Trị - Ảnh: Phạm Như Quỳnh 
 
Tiêu điều và đổ nát - Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Rời khỏi Xương Lăng, bạn đi tiếp trên con đường dọc sông Hương thêm chừng 700m, rẽ phải vào đường Đoàn Nhữ Hài, chạy chừng 1,5 km là tới lăng Tự Đức (Khiêm Lăng).
Khiêm Lăng là một bức tranh sơn thủy hữu tình, chất chứa tâm hồn nhạy cảm của vua Tự Đức, một vị vua yêu thích thiên nhiên và nghệ thuật. Không có con nối vị, lại trị vì trong giai đoạn Pháp bắt đầu công cuộc xâm lược, vua Tự Đức luôn bi quan nghĩ rằng cái chết là điều tất yếu nên ông đã cho xây dựng lăng từ khi còn trẻ và xem đây là một “ngôi nhà lâu dài” dành cho mình, cả khi sống lẫn khi qua đời.
 
Bức tranh sơn thủy hữu tình của Khiêm Lăng - Ảnh: Chris Glass
Đặc biệt hơn, bia Thánh đức thần công trong Khiêm Lăng được xem là tấm bia công đức lớn nhất Việt Nam, nặng 20 tấn với bài “Khiêm Cung Ký” dài hơn 5.000 chữ do chính ông viết.
Vậy là chỉ với một cung đường, bạn đã có thể đi qua 5 lăng mộ nổi tiếng nhất của các vị vua triều Nguyễn còn tồn tại ở Huế. Tuy nhiên, các lăng vua đều khá quy mô và rộng lớn. Nếu không có nhiều thời gian mà lại muốn chiêm ngưỡng từng góc cạnh khác biệt đặc sắc của các lăng mộ, bạn có thể chọn đến Lăng Minh Mạng và Lăng Khải Định. Lăng Minh Mạng tiêu biểu cho kiến trúc lăng tẩm truyền thống của triều Nguyễn và Lăng Khải Định tiêu biểu cho kiến trúc mang dáng dấp Tây phương hiện đại.
Ở kỳ sau, chúng ta sẽ tham quan từng công trình chi tiết của 2 lăng vua nổi tiếng này.

(Còn tiếp)
Du ký của Phạm Như Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét