Con đèo dài trên đường Đà Lạt - Nha Trang chưa được đặt tên
chính thức, thường được biết đến với tên đèo Hòn Giao, do chạy gần đỉnh
núi Hòn Giao, nằm trên hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Đèo này còn được
biết đến với những tên gọi như đèo Khánh Lê, Khánh Vĩnh, Bidoup, Long
Lanh và một tên gọi của riêng dân du lịch: đèo Omega.
Tác giả Đỗ Quế Mi Hương thích tên gọi đèo Long Lanh hơn cả. Cô đã kể lại
hành trình xuyên mây trên cung đường nối hoa và biển này.
Sau bao nhiêu cái hẹn với đèo Omega, bất chợt một ngày, em cũng thực hiện được ước mong.
4 giờ 30 sáng, bến xe Đà Lạt vắng bóng người. Sương mù dày đặc. Những
ánh đèn bị che khuất bởi sương mờ nên càng lung linh huyền ảo. 4 giờ 45
phút, hội ngộ cùng những người bạn đồng hành khác, cả đoàn bắt đầu leo
lên xe máy thẳng tiến đèo Omega.
Con đường này em chưa từng đi. Vì vậy nghe bảo đi đèo Omega, đi chụp
bình minh, thì em háo hức đi lắm. Nhưng đi hoài chẳng thấy có cái biển
báo nào chỉ dẫn con đường phía trước là lên đèo Omega. Anh giải thích
đèo này chưa có tên chính thức, và có nhiều tên. Trong những cái tên đó,
em ấn tượng nhất tên gọi đèo Long Lanh. Và có lẽ nó long lanh thật.
Đầu tiên, anh bạn chở em đi với vận tốc 30km/giờ. Sương mù dày đặc, đến
nỗi cách nhau 10m chẳng nhận ra mặt nhau. Lái xe không dám chạy quá
nhanh vì sợ không xử lý kịp. Thi thoảng, bắt gặp một chiếc ô tô thì nối
theo đuôi mà chạy.
Con đường phía trước mờ sương
Mặc dù sương dày thế nhưng em háo hức lắm. Nên cố mở mắt thật to đều
ngắm mọi vật mờ mờ ảo ảo hai bên đường. Chẳng thấy lạnh tẹo nào. Hay có
lẽ bao nhiêu lạnh, "bác tài" đã hứng trọn cho em rồi thì phải.
Có những lúc anh bạn xế của em thốt lên: "Trời ơi tui đang chạy đi đâu
đây?". Lạ không, không lạ. Vì con đường phía trước mờ sương, ta có cảm
giác mình không thể biết được phía trước đang đón chờ mình như thế nào.
Em cố gắng bấm nhanh những tấm ảnh khi xe đang chạy, nhưng tới tấm thứ 3
là ống kính đã nhòe hơi sương.
6 giờ sáng, mặt trời ngủ quên, chẳng thấy rắc tia nắng ấm áp nào xuống.
Rồi cũng nhanh lắm, vèo một cái, nắng tưng bừng khắp nơi len lỏi qua
từng ngọn cây thông cao, len lỏi qua từng màn sương mờ ảo.
Và mặt trời đã xuất hiện ... ấm áp. .. đẹp lung linh
Có lẽ vì được mặt trời mang ấm áp tới nên khi xe tiếp tục lăn bánh, cả
bọn nhìn nhau cười. Tốc độ vẫn đều đều. Không thể chạy nhanh hơn khi
những ngón tay và ngón chân đang tê buốt vì sương lạnh. Mọi chịu đựng
trong sương giá được đáp trả bằng nơi mà em gọi là chốn bồng lai tiên
cảnh.
Đám mây dưới núi nhìn xa lắm, cứ tưởng là mình đang ở trên trời mà nhìn xuống hạ giới vậy
Bên dưới là hạ giới
Nhưng rồi một đoạn nữa thôi, chúng tôi đã bắt đầu len lỏi vào trong vùng mây trắng xoá ấy
Bắt đầu hành trình xuyên mây
Những em bé đi học
Sinh ra và lớn lên ở Pleiku cũng là "phố núi cao, phố núi đầy sương"
nhưng có lẽ lâu lắm rồi em mới có được cảm giác đi xuyên mây và sương
như vậy. Tại chỗ sương mù dày đặc nhất, khi mà mặt trời đã lên cao, ánh
nắng chói chang mà vẫn không thể len lỏi qua màng sương. Nhìn cứ như là
mặt trăng giữa ban ngày vậy.
Bà con ra chợ sớm
Rời khỏi sương sớm thì mặt trời đã lên thật cao. Đoạn đèo này quá đẹp
cho những ai muốn săn ảnh núi mây bồng bềnh mà không có điều kiện lên
Tây Bắc hay Đông Bắc.
Xuống đến chân đèo, cả nhóm dừng ăn sáng, rồi lại quay lại đèo để cảm
nhận lần thứ hai. Quang cảnh đã thay đổi rõ rệt. Cho nên mới nói đứng ở
một chỗ ở những thời điểm khác nhau sẽ có những cảm nhận rất khác nhau.
Lên đèo
Những con suối từ trên núi đổ xuống nước trong vắt mát lạnh
Trên đường trở lại Đà Lạt, nhóm bắt gặp trường tiểu học Long Lanh ngay
vào giờ nghỉ giải lao, các em bé đang tập thể dục sáng. Tập xong thì tụi
nhỏ ùa ra phía sau chơi. Chợt nhớ ngày xưa. Em đi học trên Pleiku nào
là năm mười trốn tìm, lên bờ xuống biển, thẩy cầu, đá cầu, rượt đuổi,
leo trèo ... thì hình ảnh của trẻ em ở Long Lanh diễn ra hệt như trong
ký ức ...
Em đứng một chỗ, tay bấm máy liên tục ... ghi nhận lại những khoảnh khắc
chơi đùa của bọn trẻ mà thèm quay về với tuổi thơ quá đỗi ...
Tập thể dục buổi sáng
Vui chơi
Rượt bắt
Theo Phượt
(Bố susu sưu tầm)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét