Hoa súng là loại thực vật mọc ở vùng đầm lầy, chiêm trũng. Tuy thân mềm
mại, nhưng lại dẻo dai sức sống diệu kỳ. Vốn lặng lẽ gieo mình xuống
đất nhưng khi mùa nước lũ tràn qua, nước dâng cao tới đâu, cây súng vươn
mình tới đó. Suốt trong 4 tháng trắng đồng, hoa súng đã kịp đơm bông,
kết trái rồi thả hạt giống theo dòng nước phát tán muôn nơi.
Hoa súng mọc theo mực nước dâng. Ảnh: yume |
Bởi thế, về Đồng Tháp mùa này, ai cũng phải ngỡ ngàng trước cánh đồng
hoa súng đua nở giữa mặt nước mênh mông. Thay vì màu tím biếc đến tận
chân trời, hoa súng ở Tháp Mười chủ yếu là màu trắng tinh khôi. Tuy sắc
màu không nổi bật nhưng hoa súng trắng của vùng Đồng Tháp gợi lên vẻ đẹp
trong trẻo, thuần khiết của thiếu nữ miền Tây.
Hoa súng trắng ở đây cọng to, cánh lớn, nhụy vàng, có khi mọc dài hơn 4 m. Tuy không người gieo trồng chăm sóc, nhưng cứ đến mùa nước nổi, hoa súng trắng mọc chen chúc, nở dày đặc, ngút ngàn một khoảng không gian, trông xa như hàng triệu con cò trắng đang lặng lẽ tìm mồi.
Hoa súng trắng ở đây cọng to, cánh lớn, nhụy vàng, có khi mọc dài hơn 4 m. Tuy không người gieo trồng chăm sóc, nhưng cứ đến mùa nước nổi, hoa súng trắng mọc chen chúc, nở dày đặc, ngút ngàn một khoảng không gian, trông xa như hàng triệu con cò trắng đang lặng lẽ tìm mồi.
Lạ nhất ở Đồng Tháp phải kể đến hoa súng chỉ. Loại này mọc chủ yếu trên
vùng đất ngập phèn và phổ biến ở những dòng kênh cạn, nước trong. Súng
chỉ cọng rất nhỏ, màu đỏ tím, dài ngoằn nghoèo và mỏng manh như sợi chỉ.
Lá cỡ bàn tay xòe, mặt trên màu xanh và mặt dưới màu tím.
Ngắm hoa súng đẹp nhất bạn nên đi vào lúc sáng sớm, khi tia nắng mai
nhẹ chiếu qua làn cánh mỏng. Nếu để ý bạn sẽ thấy hoa súng nở cũng quay
về hướng mặt trời. Đi xuồng vào những con kênh mọc đầy hoa súng, vô tình
bắt gặp mùi hương thơm cỏ mật, mùi hăng hắc sình non, nhưng luôn phảng
phất mùi hương hoa súng dìu dịu.
Khoảnh khắc ấy đủ để khiến ta quên đi cái nắng rát miền Tây và những
vất vả đời thường, để chỉ còn lại là hồn quê mộc mạc, giản dị len lỏi
vào trong những tâm hồn nhạy cảm. Súng không chỉ là hoa mà còn được
người dân Nam Bộ coi như loài rau sạch. Bởi thế, những ngày nước nổi
cũng là những ngày người dân vùng lũ tấp nập chèo xuống đi nhổ súng.
Vẻ đẹp rạng ngời, tinh khiết của hoa súng trắng. Ảnh: hoasung.net |
Khi nhổ bông súng, người ta chỉ nhổ những cọng có bông trên đầu, vì
ngon hơn những cọng lá. Cứ khoảng 10–20 cọng được quấn thành từng khoanh
tròn rồi chất lên xuồng. Chỉ khi nhìn những xuồng hoa súng trắng muốt
ngược xuôi nhộn nhịp, bạn mới cảm nhận được vẻ đẹp rất riêng Đồng Tháp
ngay cả trong mùa lũ.
Bông súng nhổ về được ngắt bỏ hoa và chỉ giữ lại cọng để chế biến thành
các món ăn. Trong đó nổi tiếng nhất là bông súng mắm kho, đặc sản Đồng
Tháp mùa nước nổi. Chỉ cần vài con mắm cá linh, rô đồng, thịt heo ba rọi
và vài ba quả cà tím là có thể chế biến thành món mắm kho bông súng
ngon lành, đúng điệu.
Canh chua bông súng cũng là món ăn dân dã đặc trưng. Ngoài nguyên liệu
chính là bông súng, canh được nấu với bông điên điển, cá rô đồng hoặc cá
linh, dùng me tạo độ chua và ăn sống với mắm kho rất tuyệt. Nhờ độ
giòn, hòa lẫn với vị chua, cay, nồng khiến thực khách dù chỉ thưởng thức
một lần cũng đủ nhung nhớ khôn nguôi.
Cọng súng được bày bán phổ biến ở chợ như một loại rau. Ảnh: vnweblogs |
Để chiều lòng thực khách sành ăn, bông súng ngày nay còn đuợc dùng làm
gỏi, trộn với tôm, thịt và ăn kèm bánh phồng tôm. So với gỏi ngó sen,
hoa chuối…, gỏi bông súng lạ miệng, nhưng vẫn đảm bảo độ giòn, ngon, đậm
vị. Khi ăn thực khách sẽ cảm nhận được vị chan chát đặc trưng của vùng
phèn tan trên đầu lưỡi, nhờ đó mới thấy được nét dân dã của người dân
quê Đồng Tháp.
Vy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét