Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Chinh phục núi Chứa Chan

(iHay) Có người hỏi tôi "trên núi có cái chi mà leo mãi không biết chán?". Tôi chẳng biết nói sao, quả thật trên núi chẳng có gì ngoài cây cỏ mây trời. Vậy cớ gì mà một người trẻ như tôi lại dậy từ sớm, đi đường xa, vất vả leo trèo? 
Từ đỉnh núi Chứa Chan, phóng tầm nhìn ra bốn phương trời đất, hít thở không khí trong lành của núi cao, tận hưởng kết quả của cả hành trình gian nan nguy khó. Hãy tự chinh phục và cảm nhận. Bạn sẽ hiểu vì sao chúng tôi lại thích leo núi

Người ta nói rằng, núi Chứa Chan là đất linh thiêng với ngôi chùa Bửu Quang nổi tiếng, với cây đa ba gốc tương truyền có thần linh trú ẩn, với miếu sơn thần cầu gì được nấy, với mộ cô Mai hiển linh và những hang động bí ấn từng là nơi tu hành của nhiều thiền sư sống ẩn dật.

Bỏ qua những lời đồn đại, chúng tôi đến Chứa Chan chỉ với mong muốn chinh phục một ngọn núi hùng vĩ xinh đẹp, là ngọn núi cao thứ hai của khu vực Nam Bộ (sau núi Bà Đen ở Tây Ninh).


Núi Chứa Chan thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cách TP.HCM khoảng 110 km. Từ ngã 3 Dầu Giây, bạn rẽ phải vào Quốc lộ 1, đi khoảng 35km là gặp tỉnh lộ 766 ở bên trái. Rẽ vào tỉnh lộ này, tiếp tục đi thêm 1,5km (qua UBND huyện Xuân Lộc) thì bạn hỏi đường vào núi Chứa Chan



Nếu muốn leo núi kết hợp viếng chùa Bửu Quang, bạn có thể vào từ cổng chính của Khu du lịch núi Chứa Chan, leo khoảng gần 400 bậc thang để đến chùa, rồi từ chùa mới men theo rừng để lên đến đỉnh núi.
Nhưng chúng tôi vẫn thích những con đường nhiều thử thách hơn. Vì vậy, chúng tôi chọn một xuất phát điểm khác: gửi xe tại nhà của một gia đình địa phương và bắt đầu leo từ phía sau nhà của họ, một vùng chân núi khá vắng vẻ và hoang sơ.
Đoạn đường từ chân núi đến đỉnh núi khoảng 4,5km, độ dốc khoảng 30-35°, ước chừng cả lên và xuống núi chúng tôi sẽ mất khoảng 4-5 giờ đồng hồ (chưa tính thời gian gặp sự cố hay lạc đường). Vậy mà lúc này đã là 11 giờ 30 trưa, phải nhanh chân thôi!
Thú thật chúng tôi không hề biết đường, vì đây là lần đầu leo núi Chứa Chan, lại đi theo đường lạ. Nhưng chúng tôi biết, Chứa Chan là một ngọn núi khá an toàn và không quá cao, nên cứ tiến lên phía trước theo cảm tính. Vẫn theo nguyên tắc cũ: cứ leo đi, ắt tới đỉnh.

Đường vào chân núi

Cố lên, đồng đội! Cứ leo mãi, ắt tới đỉnh


Những hòn đá lởm chởm tưởng sẽ là chướng ngại vật, nhưng thật ra nhờ bám vào nó mà chúng tôi leo lên dễ dàng hơn

Có nhiều đoạn khá rậm rạp, người đi trước nhìn lại chẳng thấy rõ mặt người đi sau
Có đoạn xung quanh toàn là cây mà chẳng thấy đường. Những lúc này, dân leo núi chuyên nghiệp sẽ dùng dao phát đường để đi. Khổ nỗi chúng tôi hơi nghiệp dư, chẳng mang theo dao rìu gì cả, nên đành cử một bạn nam đi trước để phát đường bằng… tay và gậy (thật ra là một cái cây vừa nhặt được)
Những đoạn đường ẩn hiện trong những rặng tre
Đi được khoảng 1/2 đường, cái tháp mà chúng tôi thấy lúc đầu, bây giờ đã ở xa tít. Tuy đã mệt lả, nhưng cả đoàn đều phấn khởi khi biết mình đã vượt qua được một đoạn đường đáng kể
Đi thêm một đoạn, chúng tôi gặp một ngã 3. Con đường mòn cắt ngang trước mặt song song với một sợi cáp điện kéo dài lên tận đỉnh núi. Đoan chắc đây là đường dây điện dẫn lên Trạm thông tin trên đỉnh, chúng tôi liền đi theo. Vậy là chẳng lo lạc đường nữa. Xa xa kia là cột ăng-ten của Trạm thông tin, dấu hiệu của đích đến đã gần kề

Mỗi lần quay đầu nhìn lại thì thấy đường dây điện mất hút giữa bạc ngàn cây rừng
Ánh nắng chiều tà và đồng cỏ bao la khiến cho hành trình vượt núi của chúng tôi trở nên thi vị như một chuyến dạo chơi

Mây trắng lững lờ, cỏ xây xanh ngắt, không khí mát mẻ và trong lành 
Gần 4 giờ chiều, chúng tôi đến đỉnh núi. Trả lời cho câu hỏi “trên núi có cái chi mà leo mãi không biết chán”, tôi nghĩ rằng niềm vui nằm ở quá trình, chứ không hẳn là đích đến.
Có trải qua những khó khăn, có băng rừng vượt dốc, có đổ mồ hôi tiếc nước uống, thì khi chiêm ngưỡng cảnh đẹp và tận hưởng không khí trên đỉnh núi, bạn mới cảm nhận hết được sự thỏa mãn và niềm vui khó tả của cái thú leo núi.
Trên đỉnh núi là Trạm thông tin SK11. Các anh bộ đội ở đây rất hiếu khách
Theo chỉ dẫn của các anh, chúng tôi lại men theo đường dây điện để xuống núi. Lần này thì chẳng dám hiếu thắng mà rẽ đông, rẽ tây nữa. Vì trời đã gần sụp tối mà sức lực của mỗi thành viên trong nhóm 6 người chúng tôi cũng gần như cạn kiệt.
Cuối cùng, để cả đoàn xuống núi an toàn và nhanh nhất, chúng tôi thống nhất với nhau là cứ đi nhanh xuống, không cần chờ người sau. Đèn pin và phần nhiều nước uống để lại cho người đi chậm nhất đi cùng với một bạn có nhiều kinh nghiệm leo núi nhất.
Ở đoạn đầu còn nghe tiếng hát của nhau, nhưng đi được khoảng 1/2 đường, tôi chẳng còn thấy ai và chẳng còn nghe tiếng của ai. Bỗng dưng thấy sợ. Có dây điện làm mốc nên tôi chẳng lo lạc đường, nỗi sợ của tôi là nỗi sợ hiển nhiên của người lần đầu một mình giữa rừng núi bao la.

Đây là bức ảnh kỷ niệm trên đỉnh núi được một anh bộ đội dễ thương chụp giúp
Men theo dây cáp điện để xuống núi. Với tiêu chí “mạnh ai nấy đi”, đi được một đoạn thì quanh tôi chẳng còn “đồng đội” nào
Trời dần tối, không biết mình đang đi đầu hay cuối. Thôi thì cứ nghĩ mình đang ở giữa cho… đỡ sợ, rồi cứ cắm đầu đi thật nhanh, chẳng dám ngừng cũng chẳng thấy khát.
Đúng 6 giờ tối, tôi đến chân núi và nhận ra mình là người thứ hai tới đích. Nỗi sợ làm con người ta có thể vượt qua nhiều thứ. Lúc này tôi mới biết chân mình đã chảy máu, nhưng chả hiểu sao đến lúc đó mới thấy đau.
Khoảng 30 phút sau thì những người còn lại cũng lần lượt xuất hiện. Thật nhẹ cả người! Lúc này cả nhóm mới phát hiện có hàng trăm đom đóm nhấp nháy trước mặt. Sống giữa phố thị Sài Gòn lung linh ánh điện mỗi đêm, lâu lắm rồi (hình như là chưa bao giờ) chúng tôi nhìn thấy đom đóm.
Lúc ấy điện thoại của cả nhóm đều cạn pin, chúng tôi tiếc hùi hụi vì không được lưu lại hình ảnh đẹp bình dị và hiếm thấy này. Đành nhìn thật lâu để lưu lại chúng trong ký ức và hẹn một ngày trở lại.
Trở lại không chỉ để ngắm đom đóm bay mà để có thêm một chuyến leo núi vất vả, để lại trò chuyện cùng những anh bộ đội đáng mến, để lại được tận hưởng không khí trong lành và vẻ đẹp hùng vĩ của núi Chứa Chan.
Phượt ký của Phạm Như Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét