Thế kỷ XVII, các nhà buôn và các tu sĩ Dòng Tên gọi một vùng rộng lớn từ đèo Hải Vân đến đèo Cả là “Quảng Nam quốc”. Danh xưng đó ngày nay trải dài qua bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Xứ sở cà phê ngon nhất Việt Nam
Khi chiếc ATR 72 lượn dọc bờ biển Đông Tác trong đầu chúng tôi đã nghe nhớ mùi vị cà phê đặc biệt nhất Việt Nam ở xứ sở này.
Tuy Hòa đón khách bằng những đợt gió biển ấm áp giữa tiết trời vào xuân có mưa phùn lạnh và thú vị.
Ghềnh Đá Đĩa - thắng cảnh tự nhiên độc đáo ở Phú Yên. |
Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, một hậu
duệ của vua Minh Mạng hiện đang sống ở Sài Gòn đố tôi cà phê ở đâu ngon
nhất? Tôi trả lời ngay, Tuy Hòa. Ông nói sai, Sông Hinh. Cà phê sông
Hinh mang xuống Tuy Hòa!
Ly cà phê Sông Hinh do ông Ưng Viên tự
rang xay pha chế theo công thức riêng có mùi trầm hương hay vị chát và
hơi béo của hàn nàm cau gợi nhớ ly cà phê ở thị trấn Hai Riêng hay ở
quán Tùng dưới chân núi Nhạn lẻ loi trong một buổi chiều tà tỉnh lẻ hơn
mười năm trước.
Sông Hinh nằm giáp ranh giữa ba tỉnh Phú
Yên, Đăk Lăk và Gia Lai là nơi trồng cà phê rất nhỏ so với thủ phủ cà
phê Tây Nguyên. Nếu như cà phê Buôn Ma Thuột 4,8 – 5,7 kg hạt tươi sẽ
cho ra 1kg cà phê nhân thì Sông Hinh phải mất đến 6,3kg tươi mới được
1kg nhân với 13% độ ẩm.
Nhiều người Phú Yên nói ông vua cà phê Tây Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã có những bài học v lòng về cà phê từ vùng đất sông Hinh.
Tuy nhiên ngày nay, nhiều loại cà phê
Trung Nguyên không có được hương vị mộc mạc của cà phê Tuy Hòa mà những
người bạn ở đây nói : “Uống một ly buổi sáng phê phê miết tới buổi
chiều!”.
Trở lại Tuy Hòa, nhà thơ Đào Đức Tuấn nói chuyến này “thôi cà phê Tùng cũng được, qua uống thử cà phê Ông Già cho biết!”.
Quán Ông Già hay quán Cây Mận không có
biển đề tên nằm trên đường Lý Thường Kiệt. Ông Già chủ quán chính là nhà
văn Ngô Phan Lưu, một cây bút “kỳ hoa dị thảo” trong làng văn chương ở
Việt Nam.
Cà phê Ông Già cũng ngon như hằng hà sa
số quán cà phê ngon ở Tuy Hòa nhưng những câu chuyện triết lý giản dị
rất đời của nhà văn nông dân đã ngoài thất thập ở vùng đất này thật thú
vị.
Đêm thơ Nguyên tiêu lớn nhất Việt Nam
Đi qua núi Nhạn, sông Đà các bạn sẽ gặp
ấn tượng sâu sắc về những ngọn núi cô đơn ở xứ sở này. Núi Nhạn, núi
Chóp Chài, Đá Bia… đều lẻ loi như ngọn núi Sầm trong câu ca dao đầy ám
ảnh: “Lẻ loi như cụm núi Sầm. Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan”.
Có lẽ thiên nhiên như thế nên Phú Yên
là xứ của thơ ca và bè bạn. Cái cách đối đãi hồn nhiên của bạn bè Phú
Yên luôn làm cho khách cảm thấy thỏa mái.
Tháp Nhạn 1.000 năm tuổi biểu tượng của Phú Yên. Đêm thơ Nguyên tiêu lớn nhất Việt Nam hằng năm diễn ra dưới chân tháp này. |
Gần một thế kỷ trước, nữ sĩ Mộng Tuyết dừng chân bên núi Nhạn, hết lời ca ngợi đất này:
Nửa thế kỷ rồi qua Phú Yên
Sông Đà núi Nhạn nước non tiên
Bài thơ tương thức tình tương ngộ
Trọng nghĩa tư giao quý bạn hiền
Năm 1980, tại thư viện Phú Hải, những
người yêu thơ và bè bạn ở Phú Yên đã tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu đầu
tiên. Ba năm sau, người dự đông quá nên những người tổ chức đã sáng kiến
đưa đêm thơ Nguyên tiêu lên núi Nhạn.
Đêm thơ Nguyên tiêu ở núi Nhạn bây giờ
đã trải qua 34 năm. Đây chính là tiền thân của Ngày thơ Việt Nam được
Hội nhà văn Việt Nam tổ chức trong những năm qua.
Hội thơ núi Nhạn, đêm thơ Nguyên tiêu
Phú Yên mỗi năm hội tụ một lần và trở thành đêm thơ Nguyên tiêu lớn nhất
Việt Nam như một hiện tượng tinh thần hiếm thấy bây giờ.
Cá ngừ đại dương nhiều nhất Việt Nam
Đứng từ trên đỉnh núi Nhạn dưới chân
ngọn tháp cổ 1.000 năm có thể bao quát hết một vòng quanh thành phố Tuy
Hòa, nơi ngày xưa là thị xã hiền hòa với những chiếc xe ngựa chạy âm
thầm trong phố và ngọn gió “chuyên cần phóng túng” trong bài “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh.
Thành phố một phía biển một phía là
sông này lưu giữ bạn bằng tình cảm thân thuộc và món đặc sản cá ngừ đại
dương không thể thiếu ở đất này.
Vũng Rô gắn liền với những con tàu không số của đường mòn trên biển thời chiến tranh Việt Nam. |
Vài chục năm trước đây, những ngư
dân Phú Yên tình cờ nhặt được những dây câu của các tàu Nhật Bản trôi
dạt trên biển Đông và học được nghề câu cá ngừ đại dương từ đó.
Hiện nay Phú Yên có trên 1.000 tàu công
suất trên 90 CV chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở các vùng biển Hoàng
Sa – Trường Sa. Mỗi năm, các tàu đánh bắt đem về cho vựa cá Phú Yên từ
5.000 đến 6.000 tấn.
Cá ngừ đại dương mà ngư dân ở Phú Yên
thường gọi là cá bò gù xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc và tiêu thụ thị
trường trong nước với cách chế biến tươi sống giống như người Nhật.
Nhưng ngay tại Phú Yên, bạn bè ở xa đến
luôn được đãi món mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc và thỉnh thoảng nếu
may mắn còn có thêm món trứng cá ngừ đại dương.
Chế biến mắt cá ngừ đại dương tiềm trong
thố phải là mắt của cá câu, không quá béo, giữ nguyên vị cá nhưng không
quá tanh và không bị mùi thuốc Bắc lấn át là một sự tinh tế của người
đầu bếp.
Tiến Râu – bếp trưởng của khu du lịch
Thuận Thảo lớn nhất Phú Yên nay bỏ ra mở quán nhậu ở ngoài bờ kè chỉ
giải thích đơn giản là muốn có một thố mắt cá ngừ đại dương ngon thì
phải làm cho nó thô thô và giữ lại mùi biển!
Anh chàng đầu bếp vui tính này còn “tàng
trữ” nhiều món đặc sản Phú Yên như ốc nhảy gai, bò một nắng sông Hinh
muối kiến… chắc chắn sẽ làm bạn nhớ lâu bởi “miếng ngon” ở vùng đất hiền
hòa này!
Minh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét