Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Một vòng ngoại thành Hà Nội thăm các làng nghề

Trong bán kính khoảng 25 km từ trung tâm Hà Nội, bạn sẽ có cơ hội thăm nhiều làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm độc đáo và nổi tiếng. 
Chi tiết đường đi đến các làng nghề và những sản phẩm tiêu biểu của mỗi làng:
Làng Thạch Xá làm chuồn chuồn tre
lang-chuon-chuon-tre-9634-1399858476.jpg
Đường đi: Làng nằm dưới chân núi Tây Phương nơi chùa Tây Phương tọa lạc thuộc xã Thạch Xá - huyện Thạch Thất - Hà Nội. Đi từ Hà Nội theo đại lộ Thăng Long chừng 25km đến đoạn rẽ vào Thạch Thất thì rẽ phải rồi đi tiếp 10 km nữa sẽ thấy biển chỉ vào chùa Tây Phương.
Sản phẩm chính:Chuồn chuồn làm bằng tre và được sơn vẽ đẹp mắt, điều đặc biệt là chuồn chuồn đứng cân bằng được bằng đầu mỏ. Tại đây chủ yếu sản xuất 3 loại chuồn chuồn theo 3 cỡ lớn, vừa, nhỏ, tương ứng với độ dài phần thân 12 - 15 và 18 cm, giá từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng/con tuỳ theo kích cỡ. Chuồn chuồn được bày bán ở các gian hàng lưu niệm của chùa Tây Phương hoặc có thể trực tiếp vào các hộ để xem làm. 
Làng Đậu bạc Định Công
lang-bac-9736-1399858476.jpg
Đường đi: Xưa gọi là làng nay là phường Định Công - quận Hoàng Mai - Hà Nội. Đi từ trung tâm Hà Nội theo đường giải phóng đến phố Định Công thì rẽ phải qua đường tàu. Đi tiếp vào qua đình làng khoảng 4 km hỏi nhà nghệ nhân Quách Văn Trường xóm 8 phường Định Công. Hiện chỉ còn 2 nghệ nhân làm nghề đậu bạc theo lối truyên thống đó là nghệ nhân Quách Văn Hiểu và nghệ nhân Quách Văn Trường.
Sản phẩm chính: Đậu bạc tức là kéo bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ bạc rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức... Các sản phẩm chính bao gồm: vòng tay, cài ve áo, nhẫn, hoa tai, mặt dây cổ, dây cổ, đồ trang trí lưu niệm bạc… Sản phẩm được đậu thủ công theo lối xưa. 
Làng Nón Chuông
lang-non-chuong-2378-1399858476.jpg
Đường đi: Từ trung tâm Hà Nội đi đến Hà Đông rồi tiếp đến ngã 3 ba Ba La Bông Đỏ thì rẽ trái. Đi 18 km theo quốc lộ 21B thì thấy cổng Làng Chuông bên phải. Làng thuôc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai Hà Nội.
Chợ nón làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên và đều vào ngày chẵn trong tháng, mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch mỗi tháng. Chợ họp rất sớm vào thời gian từ 6 giờ đến khoảng 8 giờ thì chợ tan. Phiên chợ chỉ bán nón và các nguyên liệu phục vụ làm nón.
Sản phẩm chính: Nón và vật liệu làm nón. Nón làng Chuông từ lâu đã nổi tiếng đẹp, bền, đa dạng về màu sắc, kích cỡ. Không nhất thiết phải đi đúng phiên chợ, bạn có thể đến vào ngày thường xem làm nón và mua nón.
Làng sơn mài Hạ Thái
lang-son-mai-2037-1399858477.jpg
Đường đi: Từ trung tâm Hà Nội đi theo đường Giải Phóng đi thẳng tới thị trấn Văn Điển, đi tiếp chừng 3 km nữa sẽ thấy biển chỉ dẫn bên trái. Rẽ trái đi qua hầm chui đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ là đến Hạ Thái. Làng nằm ở xã Hạ Thái - Duyên Thái - Thường Tín- Hà Nội.
Sản phẩm chính: Làng làm tranh sơn mài Hạ Thái ngày nay đã có tiếng với tranh, với những sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng như lọ hoa, bát, đĩa, đũa và những vật dụng trang trí trên tường, hành lang... Sơn mài của Việt Nam đã đi ra thế giới, do tranh được làm rất kỹ, hướng tới chất lượng, hướng về thiên nhiên đồng quê Việt Nam.
Làng quạt Chàng Sơn
lang-quat-7486-1399858477.jpg
Đường đi : Đi từ Hà Nội theo đường cao tốc Láng Hoà lạc chừng 25k m đến đoạn rẽ vào Thạch Thất thì rẽ phải rồi đi tiếp 10 km nữa sẽ thấy biển chỉ vào chùa Tây Phương. Nếu vào chùa Tây Phương thì rẽ trái còn vào làng Chàng Sơn thì rẽ phải. Làng thuộc huyện Thạch Thất - Hà Nội.
Sản phẩm chính: Quạt Chàng Sơn đã có từ 200 năm nay. Thế kỷ 19, quạt Chàng từng được người Pháp đem sang Paris triển lãm. Bước vào thời kỳ đổi mới, cả xã Chàng Sơn gần một vạn dân thì có đến 3.000 người làm nghề quạt, mỗi ngày xuất ra thị trường gần trăm nghìn chiếc đủ loại: Quạt giấy, quạt nan, quạt the, quạt lụa, quạt tranh..
Làng gốm Bát Tràng
lang-bat-trang-1865-1399858477.jpg
Đường đi: Qua cầu Chương Dương hoặc cầu Long Biên dọc theo tuyến đê Long Biên - Xuân Quan (đê Tả Hồng) tới cách Cống Xuân Quan (công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải) 1 km là đường vào xã Bát Tràng. Hoặc từ quốc lộ 5 rẽ vào Trâu Quỳ qua xã Đa Tốn lên đê rẽ tay trái khoảng 100m là tới đường vào xã Bát Tràng (cách trường Đại học Nông nghiệp I - Trâu Quỳ chỉ khoảng 5 km). Ngày nay việc đến Bát Tràng rất thuận lợi vì từ năm 2006, Công ty vận tải Hà Nội đã mở tuyến xe buýt 47 từ trung tâm Hà Nội về đến Chợ Gốm Làng cổ Bát Tràng. 
Sản phẩm chính: Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong Việt Nam như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện... và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc...
Làng Lồng Chim Canh Hoạch
lang-long-chim-8705-1399858477.jpg
Đường đi: Làng nằm ở phố Vác huyện Thanh Oai cách trung tâm Hà Nội 30 km về phía Tây Nam. Từ trung tâm Hà Nội đi đến Hà Đông rồi tiếp đến ngã 3 ba Ba La Bông Đỏ thì rẽ trái. Đi 20 km theo quốc lộ 21B đến ngã tư Vác là thấy biển báo làng nghề Canh Hoạch.
Sản phẩm chính: Làng Vác tên dân gian của làng Canh Hoạch nổi tiếng với nghề truyền thống: làm quạt, làm nón, làm lồng chim... "Lồng chim làng Vác không chỉ cung cấp cho Hà Nội mà còn đưa vào trong Nam, thậm chí sang nước ngoài. Nhiều người yêu chim còn tìm về tận làng đặt lồng với giá hàng chục triệu đồng. 
Làng tương bần Yên Nhân
lang-tuong-4010-1399858477.jpg
Tương Bần là tên riêng và gọi cho ngắn gọn của loại tương sản xuất ở thôn Bần Yên Nhân, trước kia thuộc xã Văn Phú, huyện Mỹ Hào. Thôn Bần Yên Nhân hiện đã được nâng lên thành thị trấn, thuộc tỉnh Hưng Yên bây giờ. Đi từ Hà Nội theo quốc lộ 5 chừng 25 km là tới nơi. Bạn sẽ bắt gặp ngay những hàng bán tương hai bên đường cao tốc.
Sản phẩm chính: Tương Bần đã được dân gian đưa vào danh mục những phẩm vật ngon nhất VN qua một tác văn vần có những câu như: Dưa La, húng Láng, nem báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét... Tương bần rất dễ ăn, ăn kèm với bánh đúc, đậu phụ chiên, rau muống, cà… hay dùng để làm gia vị cho các món canh, kho cá… Vị ngọt thơm của nếp, nồng ngậy của tương kết hợp với nhau làm nên hương vị đặc sản không lẫn vào đâu được của người dân làng Bần
Làng Rối Nước Đào Thục
lang-roi-nuoc-9730-1399858477.jpg
Đường đi : Phường múa rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, được biết đến là nơi gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền, môn nghệ thuật dân gian rối nước, đã có gần 300 năm nay. Đi qua Cầu Đuống rẽ trái theo quốc lộ 3 chừng 20 km nữa đến cầu Phủ Lỗ thì rẽ phải Men theo triền đê sông Cà Lồ về thôn Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).
Sản phẩm chính: Hiện nay, phường rối nước Đào Thục, có gần 20 người, là trưởng phường, diễn viên điều khiển con rối, nhạc công chơi đàn, sáo, nhị, trống, thanh la, tù và... cùng các ca sĩ. Các ca sĩ hát được các làn điệu chèo, tuồng, dân ca, hát văn, hát xẩm... đều là người làng Đào Thục. Phường có sự tham gia của các nghệ nhân cao tuổi là các ông, bà: Tiệp, Nghiêm, Mạnh, Trúc... Phường múa rối nước làng Đào Thục khi diễn có thủy đình - nhờ nước để con rối hoạt động, nhờ nước giấu đi bộ máy và cách điều khiển, đây là sáng tạo tuyệt vời của nghệ sĩ dân gian. Nước làm cho con rối sinh động, tươi tắn. 
Làng mây tre Phú Vinh
lang-may-tre-4337-1399858477.jpg
Đường đi: Từ trung tâm Hà Nội đi đến Hà Đông rồi tiếp đến ngã 3 ba Ba La Bông Đỏ đi thẳng chừng 20km là đến làng mây tre đan Phú Vinh ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ luôn tự hào là các sản phẩm “Made in Viet Nam” do người dân trong làng làm ra đã có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới.
Sản phẩm chính: Với truyền thống lâu đời, ở Phú Vinh nhà nào cũng có người làm nghề mây tre đan, từ thanh niên trai tráng, phụ nữ đến người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào một công đoạn nào đó của nghề. Cha truyền con nối, nên bao đời nay người Phú Vinh vẫn sống chết với nghề mây tre đan, người làm nghề, nghề cũng giúp cho nhiều gia đình trong làng đổi đời, sung túc. Trước đây, sản phẩm từ mây tre của người dân trong làng chủ yếu là thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp... các đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, theo nhu cầu cuộc sống, làng còn làm những sản phẩm mây tre đan như các đồ vật trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối... 
Làng thêu Quất Động
lang-theu-3884-1399858477.jpg
Đường đi: Làng nằm ở xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 23km về phía nam. Từ trung tâm Hà Nội đi theo đường Giải Phóng đi thẳng tới thị trấn Văn Điển đi tiếp qua nhà máy Coca Cola Ngọc Hồi rồi chợ Vồi chừng 20 km là thấy biển chỉ dẫn ngay bên đường.
Sản phẩm chính: Làng thêu Quất Động, huyện Thường Tín (Hà Nội), không chỉ chắt lọc và lưu giữ đươc giá trị truyền thống, mà còn tạo ra nhiều bức tranh thêu tinh túy mang đậm bản sắc Việt Nam Các nghệ nhân thêu làng Quất Động đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, lọng, cờ, trướng, khăn trải bàn, các loại trang phục sân khấu cổ truyền… đến những bức tranh thêu phong cảnh, chân dung như nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột... 
Làng điêu khắc Dư Dụ
lang-dieu-khac-1751-1399858477.jpg
Đường đi: Làng nằm ở xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 23km về phía nam. Từ trung tâm Hà Nội đi theo đường Giải Phóng đi thẳng tới thị trấn Văn Điển đi tiếp qua nhà máy Coca Cola Ngọc Hồi đến thị trấn Thường Tín thì rẽ phải qua đường tàu đi chừng 10 km là gặp cầu Chiếc, qua cầu chừng 3 km là đến làng. Hoặc trên tuyến quốc lộ 21B cách thị xã Hà Đông chừng 10 km, tới lối rẽ trái chỉ 4 km là địa phận xã Thanh Thùy (Thanh Oai). Bạn sẽ thấy nhiều nghệ nhân đục tượng ngay bên đường.
Sản phẩm chính: Những hình tượng Phật Di Lạc, tượng tiên nữ, tượng phù điêu... là những biểu tượng mang lại sự yên ấm, thanh bình, chút ngộ nghĩnh đáng yêu của những bức tượng con giống với những đường nét chạm khắc thật công phu, tỉ mỉ và có cả cái hồn được thổi vào từ bàn tay tài hoa của người thợ điêu khắc. Đó là những sản phẩm làm nên sự hấp dẫn của điểm du lịch làng nghề Dư Dụ.
Bài và ảnh: Lê Bích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét