Ruộng cải trắng ở Mộc Châu với tấm biển cấm bước vào |
Đường lên Mộc Châu, đi qua một bản nhỏ, chúng tôi dừng lại bên đường chụp ảnh. Chợt một người đàn ông trung niên tiến đến dồn hỏi với thái độ không vừa lòng: “Tại sao lại chụp ảnh, chụp ảnh có đưa lên mạng không? Chụp ảnh như thế chúng tôi có bị gì không”?
Tôi chợt thấy đắng lòng khi nhớ lại cách đây 3 năm, cũng trên con đường lên Mộc Châu ấy, người dân đứng hai bên đường còn vẫy tay chào đáp lại khi chúng tôi chạy xe qua.
Niềm đam mê hay trào lưu nhất thời
Những năm gần đây phượt, du lịch bụi đã trở nên quá phổ biến với giới trẻ. Đi phượt trở thành một thú chơi, một cách chơi ý nghĩa, bởi những trải nghiệm thú vị, những cảm xúc mới mẻ, những bài học, kỹ năng đáng nhớ ở những góc độ khác nhau trong cuộc sống mà không phải ai cũng dễ dàng có được.
Vào những dịp như mùa lúa chín, mùa tam giác mạch, dã quỳ, cải trắng… dân phượt lại rồng rắn kéo nhau từ phố lên rừng, để rũ bỏ những bụi bặm, căng thẳng, áp lực, mệt mỏi, để được hít thở bầu không khí trong lành, được phiêu với gió, với mây, với nắng…
|
Mới đây, có một bức tâm thư được xem là của một người nông dân Mộc Châu gửi đến dân phượt, với lời lẽ thống thiết và bức xúc đối với một bộ phận dân phượt, vì họ đã để lại nơi đây quá nhiều thứ ngoài những dấu chân.
Tuy không để lại danh tính, nhưng rõ ràng, những “dẫn chứng” mà người nông dân vùng cao nguyên ấy đưa ra, đã khiến nhiều người giật mình mà nghĩ lại.
Có hay không sự phá hoại môi trường, phá hoại mùa màng tập thể, của những bạn trẻ học thức đầy mình!? Có hay không những bạn đi theo kiểu hành xác, không phải đi để cảm nhận, mà đi chỉ để điểm những địa danh mình đi qua? Phải vậy chăng, nên bạn sẵn sàng giẫm vào cả một vườn cải đang nở hoa, lội vào giữa đồi tam giác mạch, đè gãy những mầm chè non xanh, chỉ để có một bức ảnh đẹp về khoe trên Facebook?
Sau khi bạn lấy đi một bức ảnh, thì bao nhiêu vết chân in thành lối mòn, dưới đó, là cánh hoa nát bét, là những túi rác để lại sau cuộc chơi. Về nhà, bạn tự hào rằng mình đã đi chỗ này chỗ kia. Gương mặt tươi cười rạng rỡ đó của bạn được đăng trên mạng xã hội, và gương mặt của người nông dân cũng trên cách đồng ấy vào mùa thu hoạch khác nhau ra sao?
Nỗi buồn và sự lo sợ
Nhiều người bạn của tôi, đến mùa lại chia sẻ ảnh cũ và ngậm ngùi than rằng “giờ khó mà còn thấy cảnh này”, hay vừa trở về với tâm trạng “buồn vì thái độ của đồng bào”.
Dân phượt trên một ruộng tam giác mạch ở Hà Giang |
Còn ai chào đón chúng ta không? Còn những đứa trẻ, chúng chào mừng những chiếc xe miền xuôi không còn bằng nụ cười bẽn lẽn và ánh mắt tò mò nữa mà là những tiếng hô “cho kẹo, cho kẹo” bám dai dẳng sau lưng.
Trách nhiệm phải chăng thuộc về chính các bạn, những người tự xưng là dân phượt?
Một câu chuyện ích kỷ một chút, trên đường lên cửa khẩu Loóng Sập, chúng tôi rẽ vào một bản làng nằm lẫn dưới núi và sương mù. Cả một triền đồi bạt ngàn cải trắng đẹp đến ngỡ ngàng. Con đường đất chạy ngoằn nghèo quanh sườn núi, chỉ có dấu xe trâu kéo, không có dấu xe của “dân phượt”. Con trâu ì ạch kéo những bì ngô từ trên núi xuống, thỉnh thoảng lại ngoảnh sang đưa lưỡi liếm vội ít cỏ.
Chúng tôi cũng bỏ phố về rừng, nhưng tại sao lại thấy vui mừng và yên lòng khi không thấy bóng dáng của một dân phượt nào trên triền đồi ấy! Chúng tôi còn đùa nhau một cách khá ích kỷ: "Về nhà không nói cho ai biết chỗ này! Bởi đơn giản, chúng tôi sợ có một nhóm bạn nào đó, lại đến giẫm nát những cánh hoa".
Và chỉ một năm sau quay lại, người nông dân cùng con trâu kéo hiền lành, không cho chúng tôi chụp ảnh cùng, không cho chúng tôi cưỡi thử trâu, mà thay vào đó là gương mặt giận dữ, đuổi chúng tôi đi ngay từ dưới chân đồi!
Chẳng có một định nghĩa nào cho từ phượt, cũng chẳng ai đưa những quy định, quy chuẩn về đạo đức của dân phượt bắt phải tuân theo. Nhưng dù là dân nào đi nữa, cũng đừng khiến mình trở thành một danh từ riêng, để chỉ những người du lịch xấu xí, để màu áo đỏ khăn rằn trở thành sự khó chịu trong con mắt của đồng bào dân tộc vùng cao.
Blog phượt của Vấn Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét