Háng Tề Chơ là bản của người Mông đen, tập trung khoảng vài chục hộ dân cư ngụ. Bản làng này sở hữu ngọn thác cùng tên Háng Tề Chơ, được coi là ngọn thác kỳ vĩ nhất, là "tứ đại tử địa" của Tây Bắc núi rừng Tây Bắc. Hàng năm, khung cảnh hiểm trở của ngọn thác này vẫn mời gọi bao phượt thủ đến khao khát chinh phục.
Từ đây có thể nhìn thấy trung tâm huyện Trạm Tấu nằm bảng lảng trong mây trời |
6 giờ chiều, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội. Vượt chặng đường gần 185km bằng xe máy, 1 giờ sáng, chúng tôi đến thị trấn Văn Chấn (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) và nghỉ đêm tại đây. Sáng hôm sau, đoàn tới xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Ở đó có người dẫn chúng tôi đến với xã Làng Nhì và sau đó là đến bản Háng Tề Chơ.
Chặng đường từ Văn Chấn đến xã Phình Hồ dài khoảng 20km. Trời khá quang và dễ chịu dù không nắng, đến với Phình Hồ cũng thật nhanh và cảm nhận được không khí nơi đây với hệ thống điện - đường - trường - trạm khá khang trang, thuận tiện. Tuy nhiên, con dốc 200 từ xã Phình Hồ dẫn lên xã Làng Nhì thì thật là thách thức khủng khiếp với chúng tôi.
Phía dưới con dốc là trung tâm xã Phình Hồ hiện ra với vẻ khang trang của trường học, ủy ban, hàng quán nhỏ của người dân bản
Nhà của người Mông đen thường nằm cheo leo trên những sườn núi như thế này |
Ba mẹ con một người phụ nữ người Mông đang ngồi bên vệ đường chăn trâu. Bà mẹ không biết nói tiếng Kinh nên chúng tôi chỉ biết cười để giao tiếp |
Có lẽ quyết định đi bộ là đúng đắn bởi chỉ có vài đoạn đường bằng phẳng, khô ráo và có vẻ dễ dàng phóng xe máy, còn đa phần là những đoạn đường trơn với độ dốc từ 20o – 25o, hoặc đường dốc lổn nhổn đá gộc, đá tảng vô cùng nguy hiểm.
Con dốc từ Phình Hồ đến Làng Nhì vẫn còn đang xây dựng dang dở làm cho hành trình của chúng tôi thêm gian khổ |
Có hai con thác trên đường đến Làng Nhì. Con thác đầu tiên tuy nhỏ nhưng cũng khá đẹp vì vắt mình từ độ cao khoảng gần 30m. Tuy dòng nước không lớn nhưng cũng đủ xua tan mệt nhọc và nóng nực cho năm kẻ mê muội thám hiểm như chúng tôi. Mỗi đứa vắt vẻo một tư thế trên những tảng đá dưới chân thác, mệt nhoài và khép mắt nghỉ ngơi để sau đó tiếp tục hành trình.
12 giờ trưa, chúng tôi mừng vui khôn xiết khi đã đến được xã Làng Nhì. Nơi chúng tôi dừng chân là cạnh một ngôi nhà lớp mái gỗ pơ-mu, tường đóng bằng thân gỗ. Cửa nhà đóng kín và hình như không có ai ở nhà. Sau lưng chúng tôi là những bụi cây đào trĩu quả trông khá bắt mắt.
Hành trình tiếp theo cũng không kém gian nan và không kém hùng vĩ. Con đường ven núi dẫn chúng tôi qua những khung cảnh tuyệt vời của núi rừng nơi đây, những mảnh ruộng bậc thang được phủ màu vàng nhạt của lúa đang sắp vào mùa gặt.
Nổi bật trên màu vàng của ruộng lúa là những chòi canh của người dân dựng để trú mưa hoặc canh ruộng. Phía dưới gầm chòi thường là nơi để buộc trâu, thả lợn. Những chiếc chòi lúc này thường không có người ở, nên chúng tôi lại có cơ hội "mượn tạm" làm chỗ dừng nghỉ ngơi mỗi khi chùn bước.
Từ xa xa chúng tôi đã nhìn thấy rõ con thác Háng Tề Chơ hùng vĩ tung bọt trắng xóa, nổi bật trên nền rừng xanh của đại ngàn rừng núi Tây Bắc. Nắng chiếu rọi vào càng làm dòng thác trở nên rực rỡ hơn. Cả đoàn háo hức bởi đã sắp đạt được đến đích cuối. Dù đã thấm mệt nhưng ai cũng như được tiếp thêm năng lượng để rảo bước thật nhanh.
Đã hơn 2 giờ chiều, nhưng chúng tôi vẫn không biết đi đường nào để xuống được thác Háng Tề Chơ. Cây cối um tùm, đường đi gần như không có. Chúng tôi chỉ biết lần theo lối bờ ruộng bậc thang đang vào mùa cấy mà không biết sẽ đang đi đâu, sẽ đến đâu.
Ngọn thác đã có vẻ như rất gần nhưng để tiếp cận thì thật không hề đơn giản. Chúng tôi vẫn đang đứng chênh vênh sườn đồi và nhìn dòng thác mà không biết phải đi theo hướng nào.
Rồi trong lúc cả đoàn đang mò mẫm tìm được xuống chân thác, thì một thành viên vô tình mò ra đúng mỏm đá ngay lưng chừng thác. Cả đoàn hoảng hốt vì nếu không may có lẽ anh ấy đã lao xuống dưới vực mà chúng tôi không hề biết.
Những cậu bé Mông đen đi chăn trâu |
Lối đi này khá gần với nơi chúng tôi vừa dò dẫm đi. Vẫn là những con dốc gần như thẳng đứng nhưng dễ đi hơn nhiều. Cây bụi vẫn um tùm nhưng gần như đã thành lối đi, dù nền đất vừa ẩm ướt vừa lún do lớp lá rụng tích tụ dày đặc.
Ngọn thác kỳ vĩ
Chỉ chưa đầy 20 phút, cậu bé người Mông đen đã đưa chúng tôi xuống đến với chân thác Háng Tề Chơ. Hơi nước và bọt nước từ dòng thác trút xuống từ chiều cao có lẽ đến 60-70m khiến người chúng tôi bắt đầu ướt đẫm.
Tiếng thác gào ầm ầm, những tảng đá to bằng mấy người ôm nằm chỏng chơ bên dòng suối nước chảy siết từ trên thác đổ xuống. Đá phủ một màu nâu bóng và trơn tuột do lớp rêu dày và quanh năm ẩm ướt.
Háng Tề Chơ quá hùng vĩ! Lần đầu tiên trong đời, tôi được tận mắt chứng kiến một ngọn thác hùng vĩ đến vậy. Hơi tiếc là quần áo, điện thoại và máy ảnh của chúng tôi mang theo đều bị hơi nước làm cho nhòe hết. Nên cả đoàn không có được tấm ảnh nào hoàn toàn ưng ý ghi lại màn hơi nước dày đặc tỏa ra từ ngọn thác.
Năm thành viên trong đoàn đều xúc động và vui sướng với kết quả đạt được bởi có một số đoàn đi trước đó đã không thể tìm được đến với thác Háng Tề Chơ. Trải nghiệm đã mang lại cho chúng tôi nhiều những cung bậc cảm xúc gần như chỉ có duy nhất một lần trong đời.
Không những được tận mắt ngắm ngọn thác hùng tráng nhất núi rừng Tây Bắc, mà còn được gặp gỡ những con người hiền lành và chân chất nơi núi rừng. Đặc biệt hơn là được thử thách chính bản thân cũng như cảm thấy thật may mắn vì đã làm được điều chúng tôi hằng mong muốn.
Bỏ lại giày sau một tảng đá, chúng tôi dò dẫm từng bước để tránh không bị trơn trượt. Tôi tranh thủ thả mình xuống dòng nước lạnh toát trong sự lo sợ của đám bạn. Mọi người lo tôi bị cảm lạnh nhưng tôi không thể cầm lòng trước sự quyến rũ lạ kỳ của ngọn thác này.
Say sưa ngắm nhìn và chụp hình một lúc cũng đã gần 4 giờ chiều. Chúng tôi vội vàng cùng bé Mông đen dẫn đường chuẩn bị ra về. Hơn 8 giờ thì chúng tôi cũng "lết" về được đến Làng Nhì. Khi nghe thấy những âm thanh của cuộc sống, thấy ánh đèn leo lét trong đêm tối, cả đoàn la hét vì vui sướng.
Rời xa Háng Tề Chơ, trong tôi bật lên hàng loạt câu hỏi mâu thuẫn nhau. Rằng bao giờ con đường đến với nơi đây, đến với ngọn thác hùng vĩ bậc nhất Tây Bắc sẽ được rút ngắn và đi lại thuận tiện hơn? Phải chăng đường đến với thác cứ trập trùng gian khổ như vậy thì ngọn thác mới giữ được vẻ hoang sơ? Còn nếu như cơ sở hạ tầng được khai thông, phát triển, thì Háng Tề Chơ cũng sẽ sớm bị "du lịch hóa"?
Phượt ký của Long Hy
Ảnh: Long Hy - Quỷ Cốc Tử
Ảnh: Long Hy - Quỷ Cốc Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét