Theo chân những người con xứ Thanh du xuân dịp đầu năm, du khách sẽ đến
với di tích lịch sử Am Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa thuộc xã Tân Ninh,
huyện Triệu Sơn. Từ thành phố Thanh Hóa, bạn có thể chọn đi theo quốc lộ
47 về phía tây khoảng 30 km, đi xe buýt 17 xuống điểm đỗ ngã ba xã Tân
Ninh hoặc đi con đường liên xã Đông Yên để đến núi Nưa.
Nằm cách thành phố chừng 30 km, con đường dẫn đến di tích gắn liền với
cuộc khởi nghĩa Bà Triệu phủ một màu xanh mướt của hoa cỏ mùa xuân.
Trong không khí rộn ràng năm mới, thấp thoáng trên đường những cánh đồng
lau trắng đung đưa theo gió khiến khung cảnh càng thêm thơ mộng.
Từ chân núi Nưa lên đỉnh Am Tiên còn khoảng 4 km đường đất ngoằn nghèo
nhưng quanh năm in dấu hành hương của người dân tứ xứ về thắp hương cầu
lộc. Nằm trên độ cao hơn 500 m so với mực nước biển, khí hậu ở Am Tiên
quanh năm mát mẻ. Hai bên đường vào khu du tích lại được phủ một màu
xanh rì của những cây xà cừ cổ thụ khiến không gian càng thêm thuần
khiết, uy nghi.
Không gian linh thiêng, trầm mặc trên đỉnh Am Tiên. Ảnh: Trịnh Minh Quang
|
Càng lên cao, sương mờ càng sánh đặc quyện trong cây lá. Sương không chỉ xuất hiện trong những ngày ít nắng mà chờn vờn bao phủ khắp Am Tiên suốt những tháng đầu năm từ sáng sớm đến chính ngọ. Sương ẩn hiện khắp lối đi, hòa quyện trong vườn đào, ôm ấp những cánh hồng mỏng manh bung nở đón xuân, khiến du khách bước đến cứ ngỡ như lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh.
Là di tích lịch sử gắn với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào
năm 248, tương truyền Am Tiên từng là nơi cất giấu vũ khí, lương thực và
rèn luyện binh đao. Bởi vậy ngày nay, cứ đến ngày 18 - 20 tháng Giêng,
tại chùa Am Tiên (nằm trong quần thể di tích lịch sử đền Nưa) dòng người
dâng hương tưởng niệm lại đổ về nườm nượp.
Cách cửa đền không xa là một trong ba huyệt đạo thiêng của quốc gia
(một là ở núi Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội; hai là ở núi Bà Đen, Tây Ninh),
nơi giao hòa, đắc địa của trời đất. Bởi vậy, người người hành hương về
đây không chỉ cầu sức khỏe, tài lộc mà còn cầu cho quốc thái dân an, nhà
nhà hạnh phúc.
Làn sương mờ ảo trong vườn đào hồng cổ thụ. Ảnh: Trịnh Minh Quang
|
Rời huyệt thiêng trong cảm giác thư thái, tĩnh tại của tâm hồn, "động
đào" tiếp bước đưa chân lữ khách đến giếng Tiên. Gọi là "động đào" bởi
lẽ dọc hai bên đường là bạt ngàn đào hồng khoe sắc, lối đi như trải thảm
với những cánh đào rơi rớt theo gió xuân mơn mởn. Dường như sắc đào
thắm bao nhiêu thì nước giếng Tiên trên đỉnh Am Tiên trong và đầy bấy
nhiêu.
Lòng giếng rất cạn, chỉ sâu chừng 3 m, lại ở tận đỉnh núi cao nhưng kỳ
lạ thay nước giếng không bao giờ cạn dù nắng hạn kéo dài. Nước giếng từ
trong núi chảy ra nên rất tinh khiết, được nhiều người thường xuyên tới
đây xin về làm nước cúng trong các dịp lễ, thờ tổ tiên và cầu mong sức
khỏe, sinh con theo ý nguyện.
Khắp nơi sương giăng khiến khung cảnh như chốn bồng lai tiên cảnh. Ảnh: Trịnh Minh Quang
|
Sau khi lấy nước giếng Tiên, thắp hương trong đền và vái lạy huyệt đạo,
đừng quên chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh thủy mặc xứ Thanh từ trên
đỉnh núi Nưa và cảm nhận không gian thoáng đãng, tươi xuân của vùng đất
thiêng Tổ quốc, bạn sẽ có chuyến du xuân đầu năm ý nghĩa và khó quên.
Vy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét