Bến tàu cao tốc ở Hà Tiên ra đảo Hải Tặc. |
(TBKTSG Online) - Một ngày nắng đẹp, chúng tôi về miền đất Hà Tiên thơ
mộng, làm xao xuyến lòng người với non xanh nước biếc chập chùng… Từ
đó, ra “hòn” là hành trình hấp dẫn, gây nhiều háo hức với dân đồng bằng
như chúng tôi.
Mua vé 40.000 đồng, khách du lịch xuống tàu Minh Nga ở cảng Hà Tiên.
Đúng 14g30 tàu xuất bến, vượt biển đi Hòn Đốc. Đứng trên boong tàu, du
khách sẽ thấy thành phố Hà Tiên xinh đẹp với núi Tô Châu, núi Pháo Đài,
đồi Bình San, núi Đèn, mũi Nai... mờ xa dần trong biển nước mênh mang.Hòn Đốc thuộc xã đảo Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Hòn Đốc còn có tên gọi rất ấn tượng là “đảo Hải Tặc”, nằm ở khu vực biển Tây của Việt Nam. Hòn Đốc hợp với các đảo lân cận hình thành quần đảo Hải Tặc có diện tích đất nổi 1.100 hecta, gồm 16 hòn đảo cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý (27,5 km).
Tấm bia chủ quyền ở bờ Tây đảo Hải Tặc được xây vào năm 1958, ghi rõ: “Quần đảo Hải Tặc. Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’ 8; kinh tuyến 104 độ 20’ 0”. Quần đảo này gồm: Hòn Kèo Ngựa, hòn Kiến Vàng, hòn Tre Lớn, hòn Tre Vinh, hòn Gùi, hòn Ụ, hòn Giang, hòn Chơ Rơ, hòn Đước Non, hòn Bô Dập, hòn Đồi Mồi”.
Một góc biển ở hòn Đốc. |
Lúc trên tàu, tôi tình cờ quen Tuấn, là dân đảo chính gốc. Tuấn đi học ở thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ thông tin, đang làm việc ở Sài Gòn. Tuấn dẫn bạn gái về quê chơi. Tối đến, Tuấn mời tôi đến nhà, “lai rai” rồi sau đó “đi săn cua”.
Soi và đâm cua biển ở những kè, gành đá ven đảo Hải Tặc là một ‘tiết mục’ hấp dẫn. Cua biển về đêm thường vào bờ, nép ven các vách đá để kiếm ăn hoặc tìm bạn tình, giao phối và sinh sản. Người soi cua dùng đèn pin cực mạnh để chiếu xuyên xuống nước và một cây chỉa hai có ngạnh, dài chừng hai thước. Khi soi gặp cua, người ta rọi luồng ánh sáng đèn chiếu ngay mắt cua; đôi mắt cua sẽ phản chiếu lại ánh sáng đỏ hồng như hai hạt lựu, trong suốt. Chúng sẽ bất động - gọi là ‘ăn đèn’ - thế là người ta phóng chỉa vừa tầm, đâm thật ngọt và êm.
Hòn Tre Vinh, trong quần đảo Hải Tặc. |
Chúng tôi đi bộ vòng quanh con đường lát bê-tông rộng chừng 5 mét, dài khoảng 5 cây số chạy vòng quanh đảo. Một bên là núi với rừng cây sầm uất, một bên là biển với sóng vỗ gành tung bọt trắng xóa. Hoa bìm bìm tím, ngải chuối đỏ, muồng vàng, trâm ổi, hoa ly trắng… mọc hoang dại theo lối đi thật vô cùng nên thơ, lãng mạn. Ven đảo hiện vẫn còn một số cổ thụ có đến mấy trăm năm tuổi.
Đêm thứ hai trên đảo Hải Tặc, tôi đến nhà chú Tư ‘Xe Tăng’, một ngư dân cố cựu mà tôi đã quen trong chuyến ra đảo lần trước. Đêm trên đảo, gió thổi vu vu, sóng biển vỗ oàm oạp, đèn ghe câu mực chập chờn, lung linh… Ông Tư 'Xe Tăng' lim dim, nhấp ly rượu thuốc kể: “Ông nội tôi nói lại, hồi đó trên đảo nầy có đảng cướp ‘Cánh Buồm Đen’. Bọn cướp chủ yếu đánh những tàu buôn, thường là của Trung Quốc và các nước đi ngang vịnh Hà Tiên, Rạch Giá. Trên cột buồm tàu của bọn cướp biển thường treo cây chổi với ý nói quét sạch tàu qua lại. ‘Cánh Buồm Đen’ hoạt động trên một vùng biển rộng lớn thuộc vịnh Thái Lan… Đến bây giờ, người ta vẫn đồn râm ran về một kho báu được bọn cướp biển chôn giấu đâu đó trên nhóm đảo này… Có một người Mỹ và một người Anh đã đến đây để săn tìm... ‘kho báu’. Vụ việc diễn ra vào một buổi chiều tháng 3 năm 1983, ngư dân xã Tiên Hải đã vây bắt được hai người nầy khi họ xâm nhập đảo. Họ khai rằng mình có một tấm bản đồ được vẽ cách đây 300 năm của dòng họ truyền lại, chỉ dẫn tới kho báu mà hải tặc chôn giấu! Gần đây, vào đầu năm 2009, một số ngư dân lặn tìm ốc, hải mã tình cờ gặp một số lượng khá lớn tiền đồng cổ…”.
Hòn Đốc ngày nay. |
Ra chơi đảo Hải Tặc, có một món mà bạn không thưởng thức thì rất đáng tiếc. Đó là món ghẹ tươi hấp bia! Ghẹ giống như cua biển, nhưng mình mỏng, vỏ mềm, hơi dẹp. Ghẹ ngon là những con thật chắc, dẻ dặt, to cỡ bốn ngón tay, bấm vào yếm không lún.
Ghẹ rửa sạch, cho vào nồi, đổ chừng một lon bia hấp với củ sả đập dập. Ghẹ hấp bia khi chín sẽ có màu vàng gạch tôm quyện với hương vị thơm lừng của mùi bia, củ sả, sẽ rất hấp dẫn. Ghẹ hấp bia phải ăn lúc còn nóng. Ta dùng tay bóc khéo mai, lộ ra tảng gạch chắc nịch, vàng ruộm, rồi bẻ thân ghẹ thành hai hoặc thành bốn miếng, gỡ ra những thớ thịt trắng muốt. Lấy muỗng nhỏ múc gạch, cho vào từng chén. Gạch béo ngậy cùng vị cay nhẹ của muối tiêu chanh, tương ớt, thấm vào miệng lưỡi, ngây ngất tuyệt vời hương vị đặc trưng, ngọt mềm. Sau ăn gạch là đến thịt ghẹ.
Ăn ghẹ cũng là một nghệ thuật, bạn từ từ bóc yếm, bóp vỡ càng, gỡ thịt, nhấm nháp lai rai từ con nầy đến con khác. Đối với càng ghẹ lớn, nên dùng kìm bóp giập hai càng, gỡ từng mảng vỏ, sau đó sẽ gặp khối thịt nhỏ màu trắng hồng, chắc lẳn, to bằng ngón tay út, ăn vào thơm, ngọt thấm dịu cả đầu lưỡi. Ăn ghẹ hấp bia, nhâm nhi với chút rượu đế ngon hoặc bia thì “quá đã”!
Từ TPHCM, du khách theo quốc lộ 1A về Vĩnh Long; qua khỏi cầu Mỹ Thuận thì rẽ phải, theo quốc lộ 80 đi qua Sa Đéc (Đồng Tháp), vượt phà Vàm Cống là đến thành phố Long Xuyên. Từ Long Xuyên đi Tri Tôn - Vàm Rầy - Kiên Lương - Hà Tiên. Đường dài chừng 350km, dễ đi. Khoảng cách Hà Tiên - Hòn Đốc đi tàu cao tốc chừng 11 hải lý (21,7km). |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét