Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Nhà rông Hà Tây - Báu vật của làng

VOV.VN - Những ngôi Nhà rông ở xã Hà Tây, Chư Păh, Gia Lai chứa đựng câu chuyện về công sức xây dựng và nỗ lực bảo vệ của cả cộng đồng.
Với hầu hết các dân tộc trên đất nước Việt Nam ta, dù ai đi đâu về đâu, cũng đều nhớ về nguồn cội. Ngày xuân, họ đều tìm cách về với quê hương bản quán để gặp mặt người thân. Ngoài đến thăm nhà nhau, mọi người còn cùng đến một nơi rất thiêng liêng để tạ ơn những bậc tiên hiền như nhà rông của cộng đồng buôn làng Tây Nguyên.
Tết ở nhà rông Hà Tây
Như bao ngôi nhà rông khác, vào buổi sáng đầu xuân năm mới, nhà rông làng Kon Băh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh, cách trung tâm tỉnh Gia Lai chừng 60km về hướng Đông Bắc, rộn ràng vào hội mừng xuân mới. Hàng chục ghè rượu xếp thẳng từ đầu đến cuối nhà rông; thịt trâu, thịt lợn, thịt gà nướng trên bếp lửa than đỏ hồng thơm nức. Từ người già cho tới những em bé còn địu trên lưng mẹ đều quây quần trong nhà rông, rộn ràng mừng xuân về. 
Nhà rông làng Kon Băh được bà con coi là tài sản vô giá, là báu vật của làng
Thấy khách lạ đến thăm, già làng Keoh hồ hởi mời chúng tôi cùng chung vui. Sau khi uống hai “cang” rượu cần làm thủ tục nhập hội làng, chúng tôi được coi như thành viên của cộng đồng.
Lúc này, già Keoh mới bắt đầu câu chuyện về nhà rông. Già cho biết: “Ngày xưa, các già làng đời trước thấy dân làng ngày càng đông lên nên tính phải làm cái nhà rông thật to để đủ chỗ cho tất cả mọi người. Dân làng bỏ công sức nhiều lắm mới dựng được cái nhà rông to đẹp, vững chắc thế này. Dịp lễ hội hay dịp quan trọng nào của làng cũng tổ chức ở đây, đông vui và đủ chỗ cho tất cả dân làng”.
Báu vật của làng!
Không chỉ là nơi tổ chức lễ hội, các nghi lễ truyền thống quan trọng và các sự kiện lớn của làng, nhà rông còn là già làng tập hợp dân làng để bàn những việc quan trọng và là nơi các thế hệ già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống qua nhiều đời.
Ngoài những giá trị chung như bao ngôi nhà rông khác, người làng Kon Băh còn tự hào về nhà rông to và đẹp nhất vùng, bề dài đến 13 sải tay, bề rộng là 7 sải tay và bề cao chừng 15 sải tay.
Tiếp tục câu chuyện, già Keoh cho biết, để làm được ngôi nhà rông này, toàn bộ dân làng phải mất 3 năm chuẩn bị. Từ cuối tháng 9 âm lịch năm 1983, cứ mỗi thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, dân làng đều tổ chức đi khắp các núi đồi trong vùng như Sơ Lăng, Đăk Blu, Tur Bơ Ngang hay suối Mẽ Not, Ơ Drang… để tìm cho đủ những vật liệu như cột, kèo gỗ quý, dây mây già, tranh, tre, nứa.

Già làng Keoh chỉ cho thế hệ trẻ biết nhà rông làng Kon Băh ẩn chứa rất nhiều giá trị vật chất lẫn tinh thần

Sau khi đã có đủ vật liệu, những bậc cao niên, những người giàu kinh nghiệm và thanh niên trai tráng trong làng lại phải bỏ ra thêm 3 tháng ròng rã liên tục cất dựng, đến đầu năm 1986 mới hoàn thành. Điều đặc biệt là hệ thống 8 cây cột tròn, to một người ôm, dài 5 sải tay và 8 cây kèo vuông dài gần 6 sải, đều được làm bằng gỗ trắc quý hiếm.
Với những giá trị cả vật chất và tinh thần, cộng đồng làng Kon Băh coi nhà rông là tài sản vô giá, là báu vật của làng.
“Nhà rông là nhà chung của làng, là tài sản vô giá. Bà con quý nhà rông, giữ nhà rông như báu vật của làng. Dù thế nào thì dân làng mình cũng phải giữ để cho con cháu sau này biết được nhà rông truyền thống, biết được công sức của các thế hệ cha ông đã phải bỏ ra thế nào mới dựng được cái nhà chung của làng” – Già Keoh nói.
Rời làng Kon Băh, chúng tôi tiếp tục đến thăm nhà rông các làng Kon Hngheh, Kon Măh, Kon Sơ Lăh. Cộng đồng người Ba Na ở đây sống quây quần nên các làng san sát, các nhà rông chỉ cách nhau chừng 10 phút đi bộ. Nhà rông làng nào cũng rộn ràng không khí mừng xuân năm mới.
Bên chén rượu cần, già Dyưk, làng Kon Sơ Lăh cho biết, cũng như làng Kon Băh, nhà rông làng Kon Sơ Lăh được làm rất công phu, mất hơn 2 năm ròng rã, đầu năm 1988 mới hoàn thành. Nhà rông cùng dân làng đã trải qua mấy chục năm yên bình.
Thao thức những nhịp đập…
Biết tin nhà rông làng Kon Sơ Lăh làm bằng gỗ trắc quý hiếm, có người tìm đến trả giá hơn 4 tỷ đồng, có người đề nghị sẽ mua cho 100 hộ trong làng mỗi hộ một chiếc xe máy tay ga và xây đền bù cho làng một nhà rông bằng bê-tông để đổi lấy hệ thống cột kèo bằng gỗ trắc của làng, nhưng trước sau dân làng đều khước từ. 
“Bây giờ cây trắc thì giá trị thật nhưng nó chỉ là một phần của nhà rông thôi. Biết bao ngày tháng, biết bao con người đổ công sức vào mới làm được nên không thể quy ra tiền, không thể bán được. Già cũng mong muốn thế hệ sau này sẽ tiếp tục giữ được nhà rông truyền thống, giữ được truyền thống người Ba Na. Người Ba Na là phải có nhà rông” - Già Dyưk cho biết.

Dây mây rừng là vật liệu chủ yếu để kết nối các vật liệu tạo nên nhà rông ở Hà Tây

Theo ông Biên, phó chủ tịch UBND xã Hà Tây, toàn xã có 9 ngôi làng là nơi định cư lâu đời của người dân tộc Ba Na ở địa phương. Tất cả các làng đều có nhà rông truyền thống, trong đó có 4 ngôi nhà rông cổ được giữ nguyên vẹn qua mấy chục năm. Đặc biệt là cả 4 ngôi nhà rông cổ này đều có hệ thống cột, kèo làm bằng gỗ trắc quý hiếm, giá trị kinh tế hiện nay có thể bằng tổng thu nhập trong 1 năm đến 4 năm của các làng.
Ông Biên cho biết, để các ngôi nhà rông quý báu này không bị bán đi, địa phương sẽ quan tâm đặc biệt tới việc gắn phát triển kinh tế - nâng cao đời sống đồng bào với việc bảo tồn văn hóa truyền thống.
“Đảng ủy, chính quyền xã chúng tôi xác định thứ nhất là ổn định về đời sống kinh tế. Gắn liền đó là xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na ở địa phương.” - Ông Biên cho biết.


Những ngôi Nhà rông ở Hà Tây đã trải qua mấy chục năm thăng trầm, chứng kiến bao sự đổi thay của  bà con người Ba Na trong vùng
Thời gian gần đây, khi các thương lái thường xuyên ghé thăm Hà Tây để tìm mua gỗ trắc, cảnh giác với việc kẻ gian có thể cưa trộm cột nhà rông, thanh niên bốn làng Kon Băh, Kon Hngheh, Kon Măh và Kon Sơ Lăh đã thành lập các đội tự quản để hàng ngày luân phiên nhau bảo vệ nhà rông.
Anh Vũ, một thanh niên ở làng Kon Sơ Lăh cho biết: “Nhà rông đã có từ lâu đời, thanh niên chúng tôi không có cơ hội tham gia làm, nhưng thế hệ chúng tôi sẽ kế thừa và giữ gìn nhà rông. Đó là truyền thống của cha ông chúng tôi, chúng tôi phải ra sức giữ”.
Những ngôi Nhà rông ở xã Hà Tây, huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai, đã trải qua biết bao thăng trầm cùng với cộng đồng người Bana nơi đây và trở thành bộ phận không thể tách rời, là báu vật của các thôn làng. Hơn thế, nhà rông - trái tim của các thôn làng Bana vẫn đang thao thức những nhịp đập của bao thế hệ, truyền đi một thông điệp về tình đoàn kết, cổ vũ cả cộng đồng bước tới khẳng định giá trị nền văn hóa của của dân tộc mình.
Công Bắc/VOV – Tây Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét